Chủ nghĩa khắc kỷ nhấn mạnh tới sự kiểm soát bản thân, phát triển bản thân thông qua sự tự nhận thức và hành động đúng đắn. Những lời khuyên của chủ nghĩa khắc kỷ mang tính thực tế nhiều hơn lý thuyết, mặc dù những người thực hành chủ nghĩa khắc kỷ và những người thực hành Phật giáo hay các tôn giáo các trên thế giới đều thấy có những điểm rất chung.
Trong sự phát triển của bản thân, chủ nghĩa khắc kỷ đưa ra lời khuyên về cách nhận biết những kiểu người chúng ta cần tránh xa. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta sẽ hủy kết bạn, block, unfollow những người đó, đơn giản bởi vì, rất có thể người thân của chúng ta như bố mẹ, con cái, anh chị em cũng nằm trong những nhóm người này. Điều quan trọng, là chúng ta cần xây dựng các giới hạn của bản thân với những nhóm người này và biết cách ứng xử trong giới hạn đó cũng như khiến họ tôn trọng giới hạn mà bản thân chúng ta đã đặt ra.
Nếu chúng ta không biết cách ứng xử với 07 kiểu người này, sớm hay muộn họ sẽ hút cạn năng lượng của chúng ta, ngăn cản sự tiến bộ và thậm chí hủy hoại của cuộc sống của chúng ta.
Hãy xem, 7 kiểu người mà các nhà khắc kỷ khuyên chúng ta tránh xa là những ai. Nhận diện họ và thiết lập giới hạn ứng xử với họ.
1. Người hay phàn nàn
Những người hay phàn nàn là những người luôn tập trung vào những vấn đề trong cuộc sống của họ. Họ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác cho những bất hạnh của họ và hiếm khi chịu trách nhiệm cho hành động của chính họ. Dành thời gian với những người hay phàn nàn có thể khiến bạn tiêu cực và tập trung vào những khía cạnh tiêu cực trong cuộc sống của chính bạn.
Lý do
Những người hay phàn nàn thường tiêu cực và có thể khiến bạn cảm thấy giống như họ. Họ cũng có thể khiến bạn cảm thấy như bạn không đủ tốt hoặc rằng cuộc sống của bạn không tốt bằng của họ.
Cách cư xử
Nếu bạn không thể tránh xa những người hay phàn nàn, hãy cố gắng hạn chế thời gian bạn dành cho họ. Khi bạn ở xung quanh họ, hãy cố gắng tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống của bạn. Bạn cũng có thể cố gắng chuyển hướng cuộc trò chuyện sang những chủ đề tích cực hơn.
2. Người hút drama
Người thu hút drama là những người dường như thu hút xung đột và hỗn loạn. Họ thường tham gia vào những cuộc tranh cãi bởi các bất đồng nhỏ nhặt, và họ phát triển mạnh mẽ khi trở thành trung tâm của sự chú ý. Dành thời gian với những thỏi nam châm thu hút drama có thể gây căng thẳng và có thể khiến chúng ta bị cuốn vào những drama cuộc đời của chính họ.
Lý do
Những người thu hút drama sẽ không bao giờ ngưng lại việc soi mói đời tư của các ngôi sao, những chuyện thị phi và bản thân họ cũng luôn dính vào những chuyện thị phi. Chính vì vậy, nếu bạn ở gần họ, sớm hay muộn những chuyện thị phi của họ cũng sẽ trở thành 1 phần của chính bạn.
Cách cư xử
Nếu bạn không thể tránh xa những người thu hút drama, hãy cố gắng hạn chế thời gian bên họ, ngưng lắng nghe những chuyện thị phi của họ và hãy hiểu rằng những chuyện thị phi này là do chính họ gây ra. Ngưng chia sẻ và cảm thông với những drama mà họ nói, họ sẽ dần hiểu rằng, bạn không phải là đối tượng phù hợp để họ “trút bầu tâm sự” về drama trong cuộc sống.
3. Người phản đối
Những người phản đối (Naysayer) là những người luôn tiêu cực và chỉ trích. Họ nhanh chóng chỉ ra những sai sót trong bất kỳ kế hoạch hoặc ý tưởng nào và hiếm khi có điều gì tích cực để nói. Dành thời gian với những người hay chê bai có thể khiến chúng ta chán nản và nghi ngờ chính mình. Hãy tưởng tượng bạn là 1 nghệ sĩ có 1 triển lãm tranh theo phong cách của bạn, và người phản đối đi vào thăm quan. Ngay lập tức, họ đặt câu hỏi “liệu bức tranh này có đang sử dụng đúng màu không?” cho dù họ không biết bạn là ai, không biết bạn có phong cách gì. Đặc trưng của họ là phản đối, là dìm người khác xuống để họ tự thấy mình có giá trị hơn.
Lý do
Những người phản đối không đơn thuần là chỉ trích những lỗi sai người khác mà bản thân họ chỉ nhìn thấy những thứ “khác với suy nghĩ của họ”, bất kể họ giỏi thực sự hay họ không có tài cán gì, họ sẽ cố gắng dìm người khác xuống để làm cho mình có cảm giác giá trị hơn. Nếu ở gần họ, sớm hay muộn bạn sẽ mất hết sự tự tin vào giá trị của mình, bị đồng hóa về suy nghĩ và cảm thấy kém cỏi, mất giá trị.
Cách cư xử
Nếu bạn không thể tránh xa những người phản đối, hãy cố gắng hạn chế thời gian bạn dành cho họ. Khi họ bắt đầu chê bai, chỉ trích, bạn hãy tỏ ra lắng nghe và không cần phản đối, bởi vì những người này sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi họ thỏa mãn “cơn khát chê bai” của họ và sẵn sàng xung đột với bất kỳ ai muốn phản đối họ. Nếu đó là người lớn tuổi trong gia đình, bạn hãy cố gắng tự chủ và sống độc lập hơn càng sớm càng tốt.
4. Người thao túng
Những người thao túng là những người sử dụng người khác để đạt được mục đích của họ. Họ có thể là những người ngọt ngào và quyến rũ, nhưng họ cũng có thể là những người tàn nhẫn và ích kỷ. Bởi vì, cho dù họ biểu hiện ra như thế nào, họ luôn có động cơ lợi dụng một điểm yếu nào đó của bạn để phục vụ cho lợi ích của họ. Bạn có thể nhận diện kiểu người này thông qua câu hỏi “Tại sao họ lại đối xử tốt với tôi như vậy, liệu họ có động cơ gì bên trong không?”. Cố gắng trả lời những câu hỏi này bằng lý trí và trực giác, phần nào sẽ giúp bạn nhận diện kiểu người này tốt hơn.
Dành thời gian với những người thao túng có thể khiến bạn cảm thấy bị lợi dụng và tổn thương. Họ cũng sẽ khiến bạn không thể có thời gian cho chính mình với những người khác trong cuộc sống.
Lý do
Những người thao túng có thể khiến bạn cảm thấy như bạn không có quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Họ cũng có thể khiến bạn cảm thấy như bạn không đủ tốt hoặc rằng bạn cần phải thay đổi bản thân để làm hài lòng họ.
Cách cư xử
Nếu bạn không thể tránh xa những người thao túng, hãy cố gắng nhận thức được những gì họ đang làm. Đừng để họ lợi dụng bạn và đừng để họ khiến bạn cảm thấy như bạn cần phải làm theo lời họ. Hãy xây dựng một giới hạn và nói rõ với họ về giới hạn đó. Nếu họ không tôn trọng giới hạn đã đề ra, hãy cư xử dứt khoát cả trong suy nghĩ và hành động.
5. Kiểu người đóng vai nạn nhân
Kiểu người đóng vai nạn nhân là những người luôn thấy mình bị ngược đãi, bị đối xử bất công trong cuộc sống và không ai tốt với họ. Họ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác về vấn đề của mình và hiếm khi chịu trách nhiệm về hành động của mình. Dành thời gian với nạn nhân có thể khiến chúng ta kiệt sức và khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi hoặc phải chịu trách nhiệm về vấn đề của họ. Nếu dành thời gian thường xuyên bên họ, sớm hay muộn bạn cũng sẽ để họ cuốn vào trong những câu chuyện thất bại, cuộc sống bất hạnh kéo dài bất tận của họ và bạn cảm thấy bổn phận của mình là giải cứu cho họ và rằng chỉ bạn mới là người thích hợp nhất để giải cứu họ. Đây là lúc bạn tự chấm dứt cuộc sống tốt đẹp của mình để lao vào vòng thất bại của kiểu người đóng vai nạn nhân.
Trong cuộc sống của kiểu người đóng vai nạn nhân họ luôn luôn là nạn nhân cho những thất bại của họ. Cuộc sống của họ là chuỗi dài những thất bại nối tiếp thất bại. Hãy tưởng tượng cuộc sống của chúng ta giống như 1 bàn cờ vậy, kiểu người nạn nhân là kiểu người luôn luôn bị chiếu tướng và phải ứng phó. Họ luôn nhìn nhận thất bài của mình giống như một điều gì đó không phải là lỗi của họ, rằng họ đã tốt, họ đã cố gắng, nhưng luôn xui xẻo vì người này, vì người khác, vì bố họ, vì mẹ họ, vì một người nào đó xuất hiện trong cuộc đời của họ… Luôn luôn là như vậy.
Hãy nhớ rằng, trong cuộc sống của chúng ta, thành công hay thất bại là chuyện bình thường. Chúng ta có luôn có lựa chọn cho các quyết định của mình và phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Nếu cuộc sống của 1 người luôn thất bại, luôn bị “chiếu tượng” thì đó cũng là lựa chọn của họ. Đừng nhận trách nhiệm về mình cho lựa chọn của người khác.
Lý do cần tránh xa
Những người đóng vai nạn nhân sẽ cuốn bạn vào vòng xoáy thất bại của họ nhưng lỗi không phải của họ mà do những người khác gây ra, do hoàn cảnh gây ra. Nếu bạn dành nhiều thời gian cho kiểu người này, bất kể họ là người thân của bạn, ruột thịt của bạn, người yêu của bạn… họ sẽ sớm cho bạn có cảm giác rằng bạn cũng chính là người có lỗi và bạn sẽ cần chịu trách nhiệm cho thất bại của họ. Rồi bạn sẽ có cảm giác bạn cần phải cứu giúp họ. Khi đó, bạn đã tự chấm dứt chính cuộc sống riêng của mình và rơi vào vòng xoáy thất bại cùng với họ.
Cách cư xử
Nếu không thể chấm dứt quan hệ với người kiểu nạn nhân này, hãy hạn chế tối đa thời gian dành cho họ. Không bao giờ được đóng vai người giải cứu đối với họ, không bao giờ được phép đưa giải pháp. Hãy học cách lắng nghe chủ động và đặt câu hỏi dạng như “anh đã thất bại như vậy, nhưng anh đã thay đổi phương pháp chưa?” hoặc “Anh thấy mình có vai trò gì trong thất bại đó của mình không?”. Đừng đồng tình với họ, thậm chí đừng cố gắng tỏ ra đồng tình với họ và đừng hứa hẹn mang tới cho họ giải pháp mà mình là người nghĩ ra vì có thể, bạn sẽ trở thành người hại họ nếu giải pháp đó thất bại.
6. Người theo chủ nghĩa tích cực độc hại
Những người theo chủ nghĩa tích cực độc hại là những người luôn chỉ nhìn thấy và chấp nhận 1 mặt sáng của vấn đề, mặt không thực tế. Họ có vẻ như đang cố gắng tỏ ra hữu ích nhưng sự tích cực của họ có thể quá áp đảo và không thực tế. Dành thời gian với những người theo chủ nghĩa tích cực độc hại có thể khiến chúng ta cảm thấy mình không được phép có những cảm xúc tiêu cực, không được phép sống thực tế rằng có mặt tích cực và có mặt tiêu cực của vấn đề. Đối với kiểu người này, nếu bạn chỉ cần đưa ra ý tưởng rằng có thể sẽ có mặt tiêu cực của vấn đề, họ sẽ gạt đi và không chấp nhận.
Hãy tưởng tượng cuộc đời mình giống như 1 khu vườn có hoa thơm, trái ngọt, nhưng cũng có cỏ dại, có sâu bọ, có nắng và có mưa… có đủ vậy thì cây mới đâm hoa và kết trái. Việc của chúng ta là nhìn nhận cả 2 mặt ở trong khu vườn của mình để có cách ứng xử cho phù hợp, thay vì chỉ nhìn thấy cầu vồng với nắng ấm, hoa thơm trái ngọt.
Lý do
Những người theo chủ nghĩa tích cực độc hại, hay nói cách khác là những người sống với ảo tưởng phi thực tế về cuộc sống sẽ khiến bạn bị rơi vào vũng lầy không lối thoát, không thể giải thích cho các thất bại, cho các lần vấp ngã. Sống với ảo tưởng, bao giờ cũng tốt đẹp hơn so với sống với thực tế, nhưng khi ảo tưởng đó kéo dài từ ngày này qua ngày khác, bạn biết đó, nó sẽ đưa bạn tới không đâu cả và bị tránh xa bởi những người thực tế.
Cách cư xử
Bạn có thể lắng nghe những ý kiến của họ về cuộc sống, theo 1 cách nào đó, bạn đang được lắng nghe về ánh sáng. Bạn không cần phản đối họ, bạn chỉ cần lắng nghe và hiểu rằng, ánh sáng được tạo ra từ bóng tối. Khu vườn của bạn tốt tươi bởi vì có cả lúc mưa, lúc nắng, có cả côn trùng và sâu bọ chứ không phải chỉ có nắng với cầu vồng. Đó là cuộc sống.
7. Ma cà rồng thời gian
Ma cà rồng thời gian là những người luôn đòi hỏi thời gian và sự chú ý của chúng ta. Họ luôn tỏ ra là người thiếu thốn và cần được đeo bám, họ có thể khiến chúng ta cảm thấy mình có nghĩa vụ phải dành thời gian cho họ. Dành thời gian với ma cà rồng thời gian có thể khiến chúng ta kiệt sức và khiến chúng ta không thể tập trung vào nhu cầu của bản thân. Đôi khi, nếu đó là cha mẹ, con cái, người yêu, vợ chồng… của chúng ta, chúng ta có thể bị ám ảnh về họ, luôn suy nghĩ về họ và luôn cảm thấy rằng mình đã không dành đủ thời gian cho họ.
Lý do
Bạn hãy nhớ ma cà rồng là những kẻ luôn thèm khát, càng có nhiều, chúng càng cảm thấy thiếu và cần nhiều hơn. Nếu bạn dành thời gian cho ma cà rồng thời gian kể cả trong hành động lẫn suy nghĩ, bạn sẽ thấy như vậy là đủ, nhưng sau đó lập tức thời gian bạn dành cho ma cà rồng thời gian phải tăng lên thêm vì họ sẽ khiến cho bạn cảm thấy bạn chưa dành đủ thời gian cho họ, cứ vậy tăng lên mãi cho tới khi chính bạn cũng không thể chấp nhận nổi hoặc có ai đó kéo bạn ra khỏi tình trạng trên. Bạn hãy nhớ rằng chúng ta ai cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nếu bạn chỉ dành thời gian cho ma cà rồng thời gian bạn sẽ không có thời gian cho chính mình, không có thời gian cho những người đang thực sự quan tâm đến bạn. Cuộc sống của bạn sẽ bị hủy hoại từ đó, người quan tâm và yêu thương bạn thực sự sẽ dần dần rời xa bạn vì bạn không dành thời gian cho họ mà chỉ tập trung vào 1 đối tượng duy nhất là ma cà rồng thời gian, vì họ thực sự yêu thương bạn nên họ sẽ không bao giờ muốn cạnh tranh và đòi hỏi ở bạn.
Cách ứng xử
Khi nhận diện được Ma cà rồng thời gian, nếu có thể, hãy tránh xa họ. Nhưng nếu đó là người thân của bạn và bạn không thể tránh xa thì bạn hãy nhớ rằng bạn chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, hãy phân bổ thời gian hợp lý dành cho bản thân, dành cho những người khác đáng được quan tâm. Và rằng nguồn lực và khả năng của chúng ta là có hạn, hãy đặc ra các nguyên tắc về thời gian hợp lý và tuân thủ, thay vì dễ dãi và do dự trong các quyết định sử dụng thời gian của mình.
Lời kết:
Điều quan trọng cần nhớ là không phải ai thể hiện những hành vi này đều là người xấu. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy ai đó đang có tác động tiêu cực đến cuộc sống của bạn, bạn nên hạn chế tương tác với họ. Bằng cách tập trung vào các mối quan hệ tích cực và hỗ trợ, bạn có thể tạo ra một cuộc sống trọn vẹn và thú vị hơn cho chính mình.
Chủ nghĩa khắc kỷ luôn nhắc nhở chúng ta về việc phân loại giữa những thứ chúng ta có thể kiểm soát được và những thứ chúng ta không kiểm soát được. Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được các lựa chọn của bản thân, cách bản thân đối phó với ngoại cảnh. Chúng ta không thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác, cho dù đó có là vợ chồng, con cái, cha mẹ của mình… nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách chúng ta ứng phó, cách chúng ta cư xử, thời gian chúng ta dành cho những người khác. Hãy cố gắng dành thời gian hoàn thiện bản thân, thay vì cố gắng dành thời gian để làm “siêu anh hùng” đi giải cứu thế giới.
Cuối cùng, khi đứng trước 1 mối quan hệ mà bạn thực sự muốn giúp đỡ, bạn hãy nhớ rằng, bạn không thể cho đi 1 thứ mà bạn không có. Nếu bạn muốn giúp 1 kẻ bất hạnh kiểu nạn nhân bằng cách dành nhiều thời gian bên họ hơn thì chúng ta sẽ có 2 nạn nhân thay vì 1, bởi vì chính bạn không có đủ thời gian cho mình để có thể tích lũy hạnh phúc, để hoàn thiện con người mình thì bạn không thể cho họ thứ đó.
Cuộc sống giống như bàn cờ mà mỗi người đều phải tự chơi. Bạn chơi bàn cờ cuộc đời của chính mình với các nguồn lực mà bạn sẵn có chứ không phải lợi dụng sự thương hại của người khác. Có người có nguồn lực mạnh, người có nguồn lực ban đầu thấp nhưng tất cả đều cần cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, tích lũy nguồn lực cho chính mình để chơi ván cờ cuộc đời của mình và chịu trách nhiệm cho ván cờ đó, cho cuộc đời của chính mình.
#nghianb
Ý kiến của bạn