Tóm tắt ngắn gọn tôi nghĩ rằng chỉ cần hiểu “Bố thí vô tướng, Độ sanh vô ngã” là đủ để thực hành pháp Bố thí ba la mật và có thể giúp lợi lạc cho tất thảy bao gồm cả bản thân được tròn đầy.
Thời gian gần đây, những từ như cứu trợ, giúp dân, từ thiện… trở nên phổ biến ở Việt Nam. Trong nhà Phật, có Lục độ ba la mật là 6 pháp tu hàng đầu của Bồ Tát, trong đó pháp Bố thí ba la mật là Pháp đầu tiên trong 6 Pháp bao gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí huệ. Hiểu biết về Bố thí ba la mật sẽ giúp cho việc từ thiện, giúp đời được tròn đầy và công đức trọn vẹn. Sau đây là một vài hướng dẫn, bản thân tôi đã học, đọc, tư duy nhiều năm và thực hành với bản thân để trong lòng cảm thấy viên mãn tròn đầy hơn. Trong bài viết này, tôi không cố gắng diễn giải hết mọi khía cạnh của Bố thí ba la mật như các loại bố thí: tài thí, pháp thí, vô úy thí. Tôi chỉ muốn chia sẻ những khía cạnh cá nhân hi vọng những ai đó cũng có niềm tin sâu sắc vào những điều tốt đẹp, tin Phật và tin vào chánh Pháp có thể chia sẻ được quan điểm nào đó để cùng nhau tinh tấn.
Giống như lời dạy của kinh điển về phương pháp thực hành Phật giáo phải bao gồm: Văn Tư Tu, cụ thể là đọc biết kinh điển, Tư duy về vấn đề nhắc tới trong kinh điển và Tu là thực hành những chỉ dẫn trong các kinh điển để rút ra các nghiệm chứng cá nhân.
Câu chuyện từ cách đây 30 năm
Cách đây 4 năm, khi tôi bắt đầu tham gia nhiều việc thiện nguyện mang tính chủ động hơn, tự giác hơn, có một Phật tử nói với tôi rằng “Từ thiện rất là tốt, nhưng khi nào cháu phải không còn thấy được Người cho, Người nhận và Vật cho thì đó mới thực là Bố thí”. Quả thực, tôi lúc đó đã đọc kinh điển Phật giáo tới hơn 20 năm (tôi bắt đầu đọc ngay khi tôi bắt đầu biết đọc và xem tranh Phật giáo trước khi tôi đi học mẫu giáo, những năm đầu 90) cũng không hiểu vì sao. Bởi vì, nếu không có người cho thì ai cho? Nếu không có người nhận thì ai nhận? Nếu không có vật để cho thì cho cái gì?….
Suy nghĩ sâu sắc về việc này tôi lật trở lại với Tính không của Phật giáo trong đó là cả một đại dương mênh mông những kiến giải với những mê lầm của người thường và vô số lần vấp ngã từ những mê lầm đó. Từ việc dễ dàng sa vào chủ nghĩa hư vô tới việc cực đoan hóa chủ nghĩa duy vật và cuối cùng lần mò tới Trung đạo, với các kiến giải cực kỳ sâu sắc của Ngài Long Thọ. Tôi hoàn thành bộ Trung đạo của ngài Long Thọ năm 2021, ở giai đoạn bắt đầu có những đợt đỉnh điểm của dịch Covid và lúc đó, tôi cùng những người đồng nghiệp và những con người tuyệt vời khác bắt đầu tham gia liên tục các mặt trận giúp bà con trong vùng dịch, từ việc hiến tặng những sản phẩm chống dịch của công ty có sẵn, tặng tiền, chở đồ, giải cứu nông sản, dịch tài liệu chuyên môn với các khuyến cáo để giúp mọi người có cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn. Không có việc gì thấy hữu ích có lợi cho mọi người mà tôi không làm.
Nghĩ lại sau này, tôi thấy lúc đó, quả thực là một cơ hội thực hành không có gì tuyệt vời hơn cho pháp Bố thí ba la mật, đã từng nhiều khoảnh khắc tôi hoàn toàn quên đi bản thân mình là người cho vì lúc đó tôi là một với tất cả đồng bào của mình, tôi cũng quên luôn người mình cho và quên luôn thứ mình cho tất cả những thứ vật chất hữu hình lúc đó trong mắt tôi chỉ là phương tiện thiện xảo để thực hành Pháp bố thí. Công đức lúc đó quả thực tròn đầy, công ty tôi và cá nhân tôi vượt qua giai đoạn gian khó nhất mà tới bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao nữa, vì một doanh nghiệp cực kỳ non trẻ, làm những sản phẩm phù hợp với dịch nhưng chỉ tập trung đi cho chứ không bán, thú thực lúc đó (bây giờ cũng vậy) bản thân tôi phải xoay xở đủ đường để duy trì hoạt động của công ty và duy trì tài chính cho bản thân để nuôi thân, nuôi con, không dư dả chút nào. Sau này, tới tận bây giờ, thi thoảng kế toán vẫn hỏi tôi “hóa đơn của mấy sản phẩm Higado hồi đó lấy rồi trên báo cáo tồn, sếp để đâu rồi. Chẳng giấu gì, hồi đó tôi cho nhân viên, tôi cho bạn tôi là một bác sỹ tuyến đầu chống dịch cùng đồng nghiệp của bạn ấy, tôi cho các bác sỹ đang trực trong viện mà là những người cộng tác với công ty tôi ở thời điểm đó, cho hết rồi” . Quả thực, tôi làm sai luật là không xuất hóa đơn giải trình việc cho tặng đó nhưng tôi nghĩ mình đã làm đúng luật của nhân quả và tạo hóa, tôi đi cho và không nghĩ tới bản thân và nghĩ tới hậu quả mà bản thân có thể phải chịu.
Và tôi tin, rồi tôi áp dụng, đầu tiên là máy móc, sau đó là dần hiểu….
Quả thực, khi nghe cô Phật tử dạy tôi về tính không trong Bố thí ba la mật rằng không có người cho, không có người nhận, không có vật cho. Tôi suy nghĩ và áp dụng sau đó tôi lắng nghe trong sau thẳm tâm hồn để xem sự thay đổi những rung động nhỏ nhất như thế nào, mình có thực sự hạnh phúc khi mình làm vậy không, mình có cảm thấy thoải mái không. Tôi đi làm từ thiện, đi giúp ai tôi giúp trong im lặng, và thực tế là tôi luôn nhớ lời Phật dạy, trong 1 ngày nếu chúng tôi không liên tục để cho những niệm tốt những suy nghĩ về việc phát triển, giúp người nổi lên thì chắc chắn các niệm xấu sẽ nổi dậy, đó là pháp Chánh niệm và việc tinh tấn trong tu tập. Vậy nên, không có lúc nào tôi không nghĩ tới việc hôm nay mình sẽ giúp ai đó, hôm nay mình sẽ phải làm việc gì có lợi cho mọi người, tuần này, tháng này, năm này… cứ như vậy nhiều năm nay liên tục.
Tôi tin rằng, điều đó đã giúp ích đáng kể giúp tôi có sức khỏe và cơ thể như hiện nay tôi có, một cơ tuổi thơ oặt oẹo với không biết bao nhiêu thuốc men, dao kéo trên người, với những vấn đề từ tiêu hóa tới thần kinh. Ngày xưa, một năm trung bình tôi có 12 đợt ốm. Tôi không phải người bi quan nhưng tôi không bao giờ quên có đợt ốm rất nặng cấp 2, tôi nằm trong phòng nhìn ra cửa sổ là gốc cây quỳnh cành dao tự tay tôi trồng, là gốc cây Bưởi ông nội tôi trồng, đợt đó ốm lâu lắm, riêng lúc ốm tôi đọc hết 2 cuốn tiểu thuyết dày, trong đó có 1 cuốn là bá tước Dracula, vẫn còn nhớ cảm giác gai lạnh khi đọc cuốn đó, à, hình như đợt đó tôi còn đọc luôn cả một phần cuốn Ruồi trâu. Cũng có lúc, tôi nghĩ chắc mình sắp chết, chắc lúc đó tôi cũng ám ảnh bởi câu chuyện Chiếc lá cuối cùng nên suy nghĩ đôi khi hơi tiêu cực, mà quả thực mệt quá nên vậy. Lên tới lớp 12 hoặc quanh quanh thời điểm đó, tôi đã biết thế nào là kháng kháng sinh khi cơ thể tôi chỉ bị viêm họng thôi (mặc dù đã cắt amidan trước đó) nhưng chẳng còn đáp ứng với hầu hết các kháng sinh thông thường, bác sỹ cho tôi dùng Tavanic tức Levofloxacin chỉ để điều trị bệnh viêm họng vì tôi đi khám mãi, uống thuốc mãi chẳng khỏi. Tôi cũng không chơi được bóng rổ vì ổ khớp tôi viêm với khô đét lại từ năm đầu đại học (2006), phải tiêm corticoid vào ổ khớp từ lúc đấy, hình như thầy Ân tiêm cho tôi bên Bạch Mai, nếu tôi nhớ không nhầm.
Sau những ngày tháng lăn lộn với mùi thuốc kháng sinh, mùi thuốc sát trùng, dần dà, tâm hồn tôi lắng xuống, tôi bắt đầu có khả năng đau khi nhìn người khác đau, tôi thấy buồn khi nhìn người khác đau khổ, tôi thấy trống trải khi không biết mình sinh ra để làm gì, tôi thấy thương một cái ông béo thường đạp xe trên đường Quang Trung, Hà Đông, khi tôi khi học ở trường Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, vì ông ấy nhìn giống bố tôi, tôi nghĩ, chắc bố tôi bụng to vậy cũng mệt lắm, nặng nhọc lắm. Tôi thấy thương những người đàn bà gầy mòn héo hon, vì họ giống mẹ tôi, chắc bà cũng vất vả lắm, lúc vội đón con trời mưa cũng chỉ có xé túi nilon khoác lên người thay áo mưa để đi cho kịp. Tôi ân hận vô cùng vì hồi đó lắm lúc tôi đã có cảm giác xấu hổ khi mẹ mình nhìn không được sang trọng như mẹ của các bạn khác… Bây giờ, tôi ân hận lắm!
Rồi cứ thế….
Tôi bắt đầu đọc nhiều hơn về Phật pháp, sâu hơn về Tứ diệu đế, Về Bát chánh đạo, Về Lục độ ba la mật, Về thập nhị nhân duyên… Góc nhìn về thế giới của tôi chuyển hóa mạnh mẽ mỗi lần đọc xong một cuốn sách của những bậc thầy tâm linh. Tôi bắt đầu có khả năng cảm nhận tốt hơn, bắt đầu ý thức được sư nông cạn trong tư duy của chính mình, bắt đầu cơ duyên đưa tôi tới những chướng ngại lớn hơn trong cuộc đời, đưa tôi tới những người Thầy có thể cho tôi những lời khuyên mà tôi tin rằng, có ai đó đang dõi theo tôi và cử những người đó trao truyền lại cho tôi để tôi hiểu hơn rằng Mọi trở ngại tôi gặp trong đời mình là biểu hiện thành hình hài của những gì trong tâm tôi, khi tâm mình thông khì mọi thứ cũng thông. Tôi không còn thấy sợ hãi nữa, tôi có nhiều thứ sai lắm, nhiều thứ tôi ngu lắm, nhưng tôi hiểu rằng, mình đang trên đạo lộ của sự khai sáng, mình cần phải dùng những thất bại đó để gọt giữa bản thân, không phải để bỏ cuộc, mà là 1 cơ hội để chinh phục cái tôi, để biết rằng cái tôi cũng là ảo giác từ nhân duyên sinh. Tôi của 10 năm trước và tôi bây giờ, chẳng giống nhau nữa, nhân duyên khác rồi, tôi không phải là tôi đã từng. Miễn là chừng nào còn đi trên con đường đúng đắn, thì không cần sợ hãi.
Khi cùng nhau góp tay xây cầu cho bà con, tôi luôn tự nhủ trong lòng là mình tuân theo những chỉ dụ của Bồ tát trì địa để thực hiện, không phải của mình, không phải cho người, không có gì được cho ở đây cả và mọi thứ tròn đầy. Khi đồng ý chung tay để hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng nặng trong cơn bão lũ, chẳng nghĩ mình có thể nhận được gì, cũng hạn chế tối đa hình ảnh với mục đích câu like, câu view, tôi chỉ mong ít người biết tới hoạt động của mình, chỉ muốn những người rất thân thiết và thấu hiểu cùng với tôi chia sẻ được theo sức mỗi người, để cùng nhau chúng ta tạo những thay đổi tích cực, cho chính chúng ta….
Kết!
À, thôi không lan man, cuối cùng thì Bố thí đúng cách theo Phật giáo thì tôi tin rằng chúng ta chỉ cần nhớ, hiểu và áp dụng đúng “Bố thí vô tướng, Độ sanh vô ngã” tức là: khi thực hành pháp bố thí cần phải giữ chân tâm được bình thản, không thấy người cho thì sẽ không đòi hỏi sự báo đáp, không thấy người nhận thì sẽ không cảm thấy dục tính ngã mạn bị nổi dậy, không có cảm giác đang ban ơn, và không thấy vật cho đi là diệt trừ được lòng tham, sự ích kỷ. Bằng cách đó, công đức của chúng ta tròn đầy!
Bài viết là những suy nghĩ lan man và sự đúc rút ngắn gọn trong thời gian đi làm, sống, đọc, tư duy và tìm hiểu. Tôi cũng có những suy nghĩ khác, nhưng chỉ mong muốn tự viết cho mình như một lần đúc kết lại những gì đã qua và những gì đang trải qua để sau này mạnh mẽ hơn khi bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
Trong một số bài tới có lẽ tôi sẽ dành thời gian để đúc kết lại những điều cơ bản trong Phật giáo dựa trên đúng phương pháp Văn, Tư, Tu của bản thân đã trải qua, thay vì trích dẫn đơn thuần các kinh điển.
Ý kiến của bạn