Là giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp trong gia đình. Là một Phật tử, con ý thức được rằng việc kinh doanh không phải là giành giật, vun vén lợi ích cho cá nhân (tư lợi) mà điều quan trọng là phải tạo ra lợi ích cho toàn thể cộng đồng (tha lợi). Doanh nghiệp con ngoài việc luôn nỗ lực tuân thủ quy định pháp luật, đóng thuế đầy đủ, thanh toán đầy đủ công nợ đối tác, trả lương đầy đủ cho nhân viên… thì cả cá nhân và doanh nghiệp con vẫn luôn ý thức thường xuyên làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, khi kinh doanh trên thị trường hiện nay, khi mà mọi hoạt động kinh doanh đều có sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều sản phẩm cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Trong đó không ít các doanh nghiệp cạnh tranh chủ yếu bằng các chiêu trò như giảm chất lượng, giảm giá thành và tăng chiết khấu, tăng cường khuyến mại, quảng cáo… gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bản thân doanh nghiệp con không làm các điều đó và gặp vô cùng nhiều trở ngại để có thể tồn tại, chưa nói tới việc tạo ra lợi nhuận để làm giàu. Nhiều lúc, công ty chúng con cũng phải đưa ra các chương trình khuyến mại, các chính sách để lấy lòng người tiêu dùng, đối tác phân phối… nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều khi cũng phải chậm nộp thuế vì không đủ tiền mặt do khách hàng nợ không trả.
Nhiều lúc bản thân con cũng cảm thấy chán nản và tự hỏi liệu mình có đang làm đúng đắn hay không, liệu việc kinh doanh có nên “chộp giật” để tích lũy trước sau đó mới kinh doanh bền vững hay không, và liệu trong kinh doanh có thể từ bi không? Làm sao để giữ được tâm trong sáng, lòng từ bi của một Phật tử à vẫn có thể thành công trong công việc kinh doanh, hạnh phúc trong cuộc sống cá nhân.
Sau đây là một số suy nghĩ trả lời cho câu hỏi của chính mình.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chăm sóc gia đình cho cộng đồng chúng sinh… là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng tài sản to lớn là công đức. Nếu như một người bác sỹ có thể chữa bệnh cho một số bệnh nhân mỗi ngày, một doanh nghiệp dược khi nghiên cứu được sản phẩm thực sự tốt sẽ nắm trong tay cơ hội giúp ích cho hàng triệu người mỗi năm. Khi sản phẩm, dịch vụ thật sự tốt, nó không chỉ mang lại lợi lạc về sức khỏe thể chất, tinh thần cho cộng đồng, nó còn mở ra cơ hội kinh doanh, làm giàu cho nhiều người khác trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là công đức và cũng là lợi lạc vô cùng to lớn, có khả năng phát triển rộng khắp, bền vững. Thậm chí, nếu được tổ chức tốt và có định hướng kinh doanh rõ ràng, có giá trị cốt lõi… thì thương hiệu doanh nghiệp có thể trở nên bất tử.
Nếu doanh nghiệp đã có nỗ lực định hướng với tâm chân thành bất hoại như kim cương thì chủ doanh nghiệp và nhân viên chớ nên nghi ngại, chớ nên nản lòng khi sự kinh doanh bất toại trong những khoảng thời gian nhất định trong cuộc kinh doanh trên chốn thương trường hiện tại.
Để trả lời thắc mắc trên đây, cá nhân tôi có những ý kiến sau bàn về Chữ Tâm trong kinh doanh, dựa trên tham khảo về bài viết Chữ Tâm trong kinh doanh trên website thuvienhoasen.
Bàn về chữ Tâm trong kinh doanh
Chữ Tâm trong kinh doanh luận bàn chủ yếu về đạo đức kinh doanh và một phần về phương diện phương tiện để giữ Tâm trong sáng trong kinh doanh. Cũng tương tự như Đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế trong đó có:
- Khổ đế: bản chất cuộc sống là KHỔ
- Tập đế: tập hợp các nguyên nhân gây ra nỗi khổ từ Tam độc (Tham lam, Sân hận, Si mê)
- Diệt đế: để chấm dứt sự Khổ cần phải tiêu diệt các nguyên nhân gây ra sự khổ, cắt đứt 3 vòi bạch tuộc Tham, Sân, Si.
- Đạo đế: chỉ ra 8 con đường giải thoát (bát chánh đạo)
Tôi vẫn nhớ có người chủ doanh nghiệp, cũng là sếp cũ của tôi, một Phật tử từng nói với tôi rằng “Cháu có làm gì cũng có thể thành công, nhưng hãy nhớ tránh xa Danh – Lợi – Tình”. Cũng giống như việc tránh xa tam độc và tiến tới 8 con đường của chánh pháp.
Quay về vấn đề trong kinh doanh, Tâm trong sáng không thể xây dựng trên một mục đích bất thiện. Nếu một doanh nghiệp được khởi tâm xây dựng dựa trên việc thuần túy kiếm tiền làm giàu cho bản thân, thì ngay từ mục đích của nó đã sai. Tôi không nghĩ rằng doanh nghiệp như vậy sẽ không thể trở nên giàu có, tuy nhiên, tôi tin rằng, những doanh nghiệp đó sẽ khó lòng bền vững. Dù sao, lâu đài trên cát không thể vững trãi bằng lâu đài xây dựng từ gạch, đá với móng nền chắc chắn. Như vậy, chữ Tâm trong kinh doanh phải bắt đầu với việc xây dựng một doanh nghiệp với mục đích mang lại lợi lạc cho cộng đồng cho những người khác – Tha lợi chứ không phải thuần túy Tư lợi. Đây là nền tảng của mọi chữ Tâm trong kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp xây dựng với mục đích Tha lợi, doanh nghiệp đó sẽ không thể tìm mọi phương pháp phạm pháp để đạt mục đích kinh doanh. Bản chất kinh doanh là tạo dựng giá trị, không phải để kiếm tiền. Tiền xây dựng trên Giá trị chứ không phải Giá trị xây dựng trên Tiền.
Học thuyết duyên khởi của Phật giáo nói về những thứ hiện hữu hiện tại được hình thành và phát sinh bởi vì những nguyên nhân trước đó. Tập hợp đầy đủ các nguyên nhân (nhân duyên) để hình thành nên kết quả của thực tại. Nếu trong số các nhân duyên đã hình thành có sự bất thiện thì kết quả làm sao thiện, bất thiện thì không bền vững giống như bóng tối vậy, chỉ cần có chút ánh sáng mặt trời chiếu tối, bóng tối biến mất không một dấu vết.
Khi doanh nghiệp kinh doanh dựa trên lợi lạc cộng đồng, sản phẩm được chăm chút để mang lại tối đa lợi ích cho người tiêu dùng thì chi phí thường phát triển sản phẩm thường sẽ cao hơn những sản phẩm tập trung vào mục đích tăng cường lợi nhuận bằng các chiêu trò trong kinh doanh. Sự cạnh tranh trong bối cảnh tự do thương mại, cơ chế thị trường dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm tương tự nhau. Điều này cuối cùng có mặt tích cực đối với người dùng so với tình trạng hàng hóa khan hiếm, độc quyền, đó là người dùng có thêm lựa chọn phù hợp với từng tình trạng bệnh tật, tùy tình trạng nhu cầu, tùy vào túi tiền của người tiêu dùng. Nôm na, người tiêu dùng có khả năng bỏ ra một số tiền ít hơn mà vẫn có thể dùng được giá trị cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, chỉ là có thể, nếu lựa chọn đúng những sản phẩm có giá trị!
Những doanh nghiệp kinh doanh với chữ Tâm thì không nên xem các sản phẩm tương tự trên thị trường là đối thủ, là kẻ thù hay mối đe dọa. Các doanh nghiệp với Tâm trong sáng trong kinh doanh cần nhìn nhận sự đa dạng này giống như một cuộc cạnh tranh về chất, thay vì chạy theo lượng. Vì sự nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp với chữ Tâm là sự nghiệp Tận tụy phụng sự cộng đồng nên sự cạnh tranh này nên quy về cuộc chạy đua về Tối ưu hóa: làm ra sản phẩm tốt nhất với chi phí thấp nhất và làm việc chăm chỉ nhất để đưa sản phẩm tốt tới người dùng một cách tiện lợi nhất. Công đức này là thứ cúng dường cho Tam Bảo không gì quý bằng.
Hiểu theo cách này, chữ Tâm trong kinh doanh cần nhìn nhận đúng đắn. Đó là, việc kinh doanh có thể áp dụng mọi phương pháp kinh doanh hợp pháp để hướng tới mang lại lợi lạc tối đa cho cộng đồng. Tuân thủ pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến sản phẩm, chăm sóc khách hàng thường xuyên và hướng dẫn đầy đủ. Và hoàn toàn không có gì sai, nếu việc PR, quảng cáo sản phẩm mà đó là một sản phẩm tốt, nội dung quảng cáo không gây hiểu lầm phóng đại tác dụng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bảo vệ gia đình!
Chân thật là đạo đức trong kinh doanh
Đạo đức trong kinh doanh theo Phật giáo bao gồm: không lừa dối, không thổi phồng giá trị trong quảng cáo, chân thành với những cam kết. Phương pháp “câu cá nơi có cá” mà bất chấp luật lệ câu có thể mang lại những lợi nhuận to lướn trước mắt, tuy nhiên, phương pháp này sẽ dẫn đến các hậu quả khó lường. Chân thật là cách tốt nhất để giữ hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và khách hàng tiềm năng.
Trước khi kinh doanh bất cứ sản phẩm nào, người làm kinh doanh cần phải trả lời được câu hỏi “Liệu mình có thể mang lại sản phẩm vượt trội cho người tiêu dùng. Liệu doanh nghiệp mình có mang lại được giá trị độc nhất cho cộng đồng? Trong cả 1 bức tranh tổng thể của thị trường lành mạnh, doanh nghiệp có thể trở thành 1 miếng ghép phù hợp hay không?” Nếu chúng ta có thể trả lời được tất cả những câu hỏi trên, hãy mạnh dạn dấn thân để kinh doanh theo từng bước khẳng định vị trí của doanh nghiệp.
Đối với những doanh nghiệp kinh doanh bằng các chiêu trò giành giật khách hàng, xây dựng quan hệ để cung ứng các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường… thổi phồng công dụng của sản phẩm để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng… Sớm hay muộn, những doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với sự thải trừ của cộng đồng người tiêu dùng, khi mà hiểu biết của người tiêu dùng ngày càng tăng lên và thị trường ngày càng trở nên lành mạnh hóa hơn.
Hiện nay, có nhiều cơ chế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thương hiệu, các nhãn hàng tốt bằng việc đăng ký bản quyền, đăng ký tác quyền, kiểu dáng công nghiệp, hoặc đăng ký các phát minh, sáng chế… Bằng cách này, những doanh nghiệp có các sản phẩm tốt, có các phát minh, sáng chế… có thể được bảo vệ khỏi sự xâm phạm, sao chép, giả mão nhãn hàng. Nhờ đó, duy giúp doanh nghiệp làm việc có Tâm trở nên yên tâm hơn trong quá trình kinh doanh. Tâm từ bi của các cá nhân kinh doanh phải đi kèm với một trí tuệ kinh doanh và am hiểu về môi trường kinh doanh. Nếu tâm từ bi không đi kèm với một trí tuệ kinh doanh tốt thì công việc kinh doanh cũng dễ dàng rơi vào tình trạng “chưa kịp lớn đã bị đổ”.
Chữ Tâm trong kinh doanh đi kèm với việc xây dựng giá trị
Trọng tâm của việc phát triển kinh doanh nên được hiểu theo cách tập trung vào việc xây dựng giá trị, tạo dựng giá trị tốt và vun đắp giá trị đó để mang lại lợi ích tối đa cho cộng đồng. Thay vì bị thị trường cuốn theo các chiêu trò tiếp thị, cuốn theo nhịp điệu giảm giá, khuyến mại ảo… công ty cần tập trung nguồn lực tối đa cho việc cải tiến các sản phẩm, cải tiến các dịch vụ chăm sóc khách hàng để sản phẩm mang lại giá trị tối đa cho nhu cầu của người dùng. Các sản phẩm về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần sự đầu tư nguồn lực cho phát triển sản phẩm lớn hơn hẳn so với các lĩnh vực khác, vì nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Ngoài việc nghiên cứu sản phẩm có hiệu quả cao, người làm kinh doanh còn phải chú ý phương diện an toàn của sản phẩm.
Khi sản phẩm đã hiệu quả và an toàn thì doanh nghiệp phải phát triển để làm chủ công nghệ, nguyên liệu, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp, việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao không chỉ có ý nghĩa giúp việc cải tiến chất lượng sản phẩm được hiệu quả hơn, nó còn có ý nghĩa to lớn giúp tối ưu hóa giá thành sản phẩm và góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia thông gia việc đóng góp vào công nghệ kỹ thuật nội địa. Việc này thể hiện được không chỉ chữ Tâm trong kinh doanh mà còn là Tầm vóc của doanh nghiệp và người chủ doanh nghiệp. Đó là cách nâng cao giá trị của toàn bộ thương hiệu quốc gia chứ không còn đơn thuần xây dựng giá trị sản phẩm thông thường.
Đối với các nhà quản lý có Tâm, cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ chế kích thích để phát triển nhiều doanh nghiệp có khả năng bồi đắp giá trị thương hiệu quốc gia như trên. Bởi vì, điều này không chỉ có lợi cho 1 doanh nghiệp kể trên, nó có thể giúp nâng giá trị của cả một đất nước, từ đó nâng cao giá trị đóng góp của quốc gia đó trên trường quốc tế.
Vậy, những cây hỏi phải đặt ra trong quá trình phát triển chữ Tâm thông qua việc tạo dựng, bồi đắp giá trị có thể là “Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có thể tạo dựng giá trị gì cho người tiêu dùng? Sản phẩm của doanh nghiệp có thể giúp ích gì cho người tiêu dùng? Liệu sản phẩm này có thể tối ưu được hơn nữa giúp nâng cao giá trị và giảm giá thành hay không? Các sản phẩm này, công nghệ này có thể góp phần nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia hay không?”
Ứng dụng Đạo Phật để giữ chữ Tâm trong kinh doanh
Phật giáo khuyến khích các chủ doanh nghiệp kinh doanh mang lại lợi lạc cho xã hội, đóng góp vào sự phát triển của loài người. Người Phật tử khi kinh doanh cần phải đi bằng hai chân 1 chân bên Đạo, một chân bên Đời. Thấu hiểu các giáo lý của nhà Phật, các phương pháp tu tập của Phật giáo… ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ việc phát triển sản phẩm, bán hàng, marketing… sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ có cơ hội phát triển mà còn giúp doanh nghiệp trở nên trường tồn, góp phần vào một thị trường kinh doanh lành mạnh để phụng sự xã hội được lâu dài.
Mỗi khi làm một việc gì đó phục vụ cho kinh doanh, người chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ về động cơ của hành động đó để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn. Luôn ghi nhớ về những điều được học trong thuyết Duyên Khởi để đánh giá xem những nhân duyên gì dẫn tới kết quả hiện tại và có thể làm gì để có những kết quả tốt hơn. Tâm từ bi được khởi lên cần phải vững vàng như kim cương bất hoại, dù những khó khăn trắc trở có thể tới trong suốt quá trình kinh doanh. Nếu đã khởi sự từ những nhân duyên tốt lành, điều còn lại phải làm của chủ doanh nghiệp là kiên trì tạo ra những giá trị tốt đẹp, mang lợi lạc cho cộng đồng chứ không phải liên tục bị danh – lợi – tình, các chiêu trò PR, truyền thông kéo đi. Học phương pháp Marketing dựa trên giá trị thay vì dựa trên khuyến mại.
Phật giáo dạy chúng ta bát chánh đạo là 8 con đường giải thoát, đây cũng là một trong những nguồn tham khảo giá trị to lớn với bất kể doanh nghiệp nào muốn giữ chữ Tâm trong kinh doanh. 8 con đường giải thoát (bát chánh đạo) đó là:
- Chánh kiến
- Chánh tư duy
- Chánh ngữ
- Chánh nghiệp
- Chánh mạng
- Chánh tinh tấn
- Chánh niệm
- Chánh định
Để bàn sâu vào việc áp dụng Bát chánh đạo trong nghiệp kinh doanh nhằm giữ chữ Tâm trong kinh doanh, chúng ta sẽ cùng chia sẻ trong một cơ duyên khác. Và điều này cần có sự chuẩn bị kỹ càng của cả người viết và những người hữu duyên về sự am hiểu nhất định trong Phật giáo cơ bản cũng như những tư duy kinh doanh cơ bản.
Hà Nội, 19/2/2023
Ý kiến của bạn