Tâm lý học con người là phổ quát, nhưng số phận thì khác biệt và môi trường sống từ gia đình, cộng đồng sinh sống là khác biệt. Chính vì vậy, tôi rất kịch liệt phản đối việc áp dụng máy móc cách dạy của một người nào đó ở môi trường hoàn toàn khác, cho việc dạy trẻ ở một môi trường khác biệt. Tôi cực kỳ không tin việc có thể nuôi dạy 1 đứa trẻ thành Elon Musk theo cách dạy của bà mẹ ông ấy, và hoàn toàn không ủng hộ việc máy móc thực hành việc dạy con theo cách của những người từ các nền văn hóa khác nhau áp dụng cho người thậm chí từng vùng miền ở Việt Nam.
OSHO có nói “Có một vấn nạn lớn trong các gia đình: Trẻ con đến tuổi thì không còn là trẻ con, nhưng cha mẹ không bao giờ chịu thôi làm cha mẹ. Có một điều nhân loại ít ai hiểu được, rằng không nên cố gắng làm phụ huynh suốt đời. Khi con đã lớn, vai trò của phụ huynh của cha mẹ đến đấy là chấm dứt. Lúc còn nhỏ, con cần người bảo bọc, nhưng khi con đủ lớn để tự đứng vững, cha mẹ phải học cách rút lui khỏi cuộc đời của con. Chính vì cha mẹ không chịu rút lui khỏi đời con, họ gây ra một mối lo âu thường trực cho chính mình và cho đứa con. Điều này khiến đứa trẻ bị thui chột, cảm giác có lỗi. Họ chỉ giúp ích cho con trong một giới hạn thôi, đi quá giới hạn đó họ không còn giúp gì được nữa.”
Quả thật, nhìn xung quanh không thiếu gì các phụ huynh từ bố mẹ tới ông bà vẫn còn chạy theo những đứa “con thơ” cho tới tận khi không còn sức lực để chạy theo, không còn nguồn lực để cấp dưỡng nữa. Xã hội này sản sinh ra “những đứa trẻ con to xác”, càng ngày càng nhiều. Và khi cha mẹ, ông bà không thể cho chỗ núp nữa, nó ra đời với tinh thần đi tìm nơi núp bóng, sự dối trá, thói lưu manh cũng bắt đầu từ khát vọng đớn hèn này của những “đứa trẻ to xác”, nhưng chẳng mấy ai để ý, nó có nguồn gốc từ xa xưa rồi.
Cha mẹ, thậm chí ông bà, không sẵn sàng rút lui khỏi cuộc sống của con cháu, để lại những hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ tiếp theo.
NHÌN MỘT NGƯỜI CƯ XỬ, HÃY XEM TRƯỚC 7 TUỔI HỌ SỐNG RA SAO
Cũng trong cuốn sách Yêu của OSHO, ông nói “Các nhà tâm lý học cho rằng 4 năm đầu đời nhân cách của đứa trẻ gần như hoàn thiện, đến năm thứ 7 toàn bộ quan điểm, thái độ, cái tôi của đứa trẻ đều được xác định. Và với mô típ tính cách này, nó sẽ được lặp lại trong nhiều tình huống khác nhau, xuyên suốt cuộc đời của một con người”
Tôi không phải người theo thuyết định mệnh, coi tất cả mọi thứ đã được sắp đặt an bài khi chúng ta trào đời. Tuy nhiên, tôi cũng không phải người mù quáng với thứ khẩu hiệu sáo rỗng “cứ cố là được”. Nếu chỉ nói một câu ngắn vậy và hò nhau cố gắng chinh phục đỉnh Hymalaya thì chắc chả mấy ai còn ngồi đây để up ảnh đi dăm ba ngọn đồi lẹt phẹt, chúng ta thậm chí đi hết lên mặt trăng với sao hỏa rồi. Và ở đây gợi lên cho mỗi chúng ta hai điều về việc giáo dục một đứa trẻ, cũng như tự giáo dục bán thân. 1 là chúng ta sẽ không thể thoát khỏi nghiệp của mình và sẽ vào một ngôi nhà, có một người cha, một người mẹ như chúng ta đang có, được hưởng một sự giáo dục và hoàn thành ở mốc 4 tuổi, 7 tuổi như OSHO có nói trên đây. Nhưng sau đó, chúng ta được tự do hơn trong việc lựa chọn con đường đi tiếp của mình. Một đứa trẻ có thể lựa chọn sự thỏa mãn liên tục, hoặc lựa chọn sống theo kỷ luật để bắt đầu quá trình “tu tập” trong một kiếp sống tiếp theo. Ở thời điểm đó, bất kể lựa chọn điều gì thì người thầy phù hợp cũng sẽ xuất hiện.
Có người sẽ bảo rằng, 7 tuổi biết gì mà chọn với lựa. Đó là suy nghĩ của mỗi người. Với tôi, đến thời điểm đó chúng ta đều đựa lựa chọn rồi, lúc đó ta đã đi học, qua thời điểm lớp 1, đã biết chọn bạn nào để chơi, biết chọn làm gì khi có thời gian rảnh, biết chọn sẽ giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ hoặc chọn đọc truyện cho thỏa mãn, biết lựa chọn cho đi hay sẽ ích kỷ giữ cho bản thân những món đồ không thực sự hữu ích… Những lựa chọn đó chính là những mô típ tính cách lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời. Và đó là lựa chọn của mỗi đứa trẻ, không còn hoàn toàn bị ảnh hưởng từ cha mẹ, ông bà, người thân nữa rồi!
Và ở tuổi này, để thay đổi dần, chính những người cha, người mẹ nghiêm khắc, mới là người quyết định, không phải sự nuông chiều hay tình cảm yếu mềm.
SAU 12 TUỔI, PHẢI TU TẬP
Adler nói “Fortunate people have their whole life protected and healed by their childhood,
unfortunate people have to have their whole life protected and healing from their childhood.” Tạm dịch là “Người may mắn dùng tuổi thơ để hàn gắn cuộc đời, người bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Trong đó tuổi thơ chỉ được tính từ lúc sinh ra cho tới khi bắt đầu bước vào lứa tuổi 12, tuổi vị thành niên.
Với lứa tuổi vị thành niên, trẻ đã có thêm 5 năm kể từ năm 7 tuổi để “khắc ghi sâu đậm” mô típ tích cách đã tích lũy. Tới thời điểm này, để có thể thay đổi 1 con người, bản thân tôi nhận thấy là cực kỳ khó khăn, thay vì thế, chúng đã xác lập một con đường cho mình. Nếu con đường đó bị ngăn cản bởi các ước muốn của phụ huynh, dễ dàng thấy, trẻ rất dễ nổi loạn, gây sự, thậm chí phá phách. Chẳng hiếm gặp những bạn đi bụi, dạt vòm ở tuổi này chỉ vì bố mẹ bắt học toán trong khi các bạn ấy thích học văn và chỉ muốn theo văn nghệ. Để một đứa trẻ thay đổi 180 độ ở lứa tuổi này tôi thấy chỉ có thể có hai khả năng, 1 là trẻ đã có căn tu từ trước, bỗng dưng ngộ ra và tu tập; khả năng thứ 2 là bản thân, gia đình có biến cố rất lớn khiến cho hoàn cảnh cũ không thể duy trì được nữa, ví dụ như một tai nạn, một sự đổ vỡ khiến cho mọi thứ sẵn có trong cuộc sống trước đây đều không còn thì có thể, cũng chỉ là có thể trẻ thay đổi. Cả hai khả năng trên đều bắt buộc trẻ phải thay đổi mọi thứ đã có trong cuộc sống, mọi mong muốn trở nên tối giản, toàn bộ những sự tiện nghi cũ biến mất và buộc một con người phải luyện hết tâm sức để có thể tồn tại. Đây cũng là một hình thức của tu tập, là tu tâm, tu tại gia.
Vậy nên, nếu dạy trẻ, có lẽ chúng ta nên bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, từ lúc trong bụng hãy trao đổi giữa vợ, chồng về những mong muốn cho đứa trẻ sau này, rồi tiếp tục khi trẻ ra đời, thật thận trọng với giai đoạn từ 0-4 tuổi và giai đoạn 4-7 tuổi. Với một cộng đồng như ở Việt Nam, dạy trẻ, tôi vẫn luôn ủng hộ việc xác lập niềm tin, kỷ luật và các biện pháp cứng rắn với trẻ khi cần thiết. Môi trường của chúng ta không phải thuần nhất như một số môi trường của một vài người viết sách về dạy con thành thiên tài, và thiên tài cũng không phải nảy sinh trong mọi môi trường theo 1 cách như nhau nên cần sáng suốt khi tiếp nhận các thông tin để áp dụng cho việc dạy trẻ, nhất là đứa trẻ do mình chịu trách nhiệm.
Ý kiến của bạn