Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi kiểu như trên, đại loại như “Tình yêu” “Sự hi sinh” “Tiền bạc” “Sự nghiệp” “Kiến thức” “Di sản” “Duy trì nòi giống” “Bảo vệ trái đất”…
Tuy nhiên, với góc nhìn hiện tại tôi tin rằng “Việc tạo ra giá trị là điều quan trọng nhất trên đời”. Một cuộc đời có ý nghĩa là một cuộc đời có cống hiến giá trị, ngược lại, một cuộc đời không tập trung tạo ra giá trị thực sự là cuộc sống vô nghĩa, lãng phí và không đáng sống. Giá trị này được tạo ra chỉ với thời gian chúng ta sử dụng trên đời. Và thời gian chúng ta được ban cho không phải thời gian của chúng ta, thời gian thuộc về một Đấng toàn năng nào đó, thuộc về tạo hóa, hoặc chỉ là một chiều không gian, hay chỉ tồn tại trong tâm thức của của hữu tình. Bất luận như thế nào, thời gian không phải một một tài sản vô hạn và càng không phải sở hữu của cá nhân.
GIÁ TRỊ
Từ góc nhìn tuyệt đối của Phật giáo, triết học cổ xưa, vật lý hiện đại… cuộc sống này vốn là những ảo giác, vũ trụ toàn ảnh, giả lập… Tuy nhiên, góc nhìn tương đối, sự vật đang tồn tại như nó vẫn tồn tại, chúng ta cảm nhận được sức nóng của mặt trời chiếu thẳng vào mặt, nỗi đau của bệnh tật hành hạ, nỗi buồn của sự mất mát và sự tuyệt vọng khi phải chia tay những thứ gắn bó mà không thể quay lại được. Rồi giống như mưa, bốc hơi thành mây rồi rơi xuống thành mưa, đổ về suối, sông lại ra biển. Mọi thứ cứ trong 1 vòng lặp lại nhưng không bao giờ trở về nguyên bản ở thời gian trước đó. Sự lặp lại với những sai khác đó được hình dung như vòng xoắn ốc của những mầm non cây Dương xỉ, của vỏ ốc trong tự nhiên, của các thiên hà và của cả vũ trụ.
Và giá trị tạo ra của mỗi hữu tình là gì?
Tôi nhớ có câu nói “Những kẻ sở hữu tri thức mà không thể thể hiện ra hay hành động từ đó thì cũng chẳng khác gì việc tàng trữ kim loại quỹ, là điên rồ và vô giá trị”. Một công trình khoa học được tiến hành để nghiên cứu rồi đắp chiếu, là điên rồ và vô giá trị cho tới khi nó được hiện thực hóa thành những máy móc, công cụ giúp cải tạo chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường… Những kiến thức uyên bác nằm trong đầu của một giáo sư vốn dĩ không có năng lực tạo ra sản phẩm nhưng không sẵn sàng chia sẻ cũng là vô giá trị và là sự lãng phí. Với người Thầy, giá trị tạo ra nằm trong mỗi môn sinh thành công chứ không nằm trong các công trình nghiên cứu rồi để đó.
Năm 2012, tôi có dịp qua thăm Viện HLKH LB Nga và chứng kiến tận mắt sự lãng phí chất xám của mảnh đất này khi hàng nghìn công trình nghiên cứu được nhà nước tài trợ tiền, với kết quả xuất sắc của những bộ óc nghiên cứu cơ bản hàng đầu, nhưng đều được để đó, “giao lưu giá hữu nghị” với những người Nhật, Mỹ, có cả VN… Sự lãng phí này thuộc về chính sách chung của 1 quốc gia, không phải trách nhiệm của các nhà khoa học. Quay về nước mình, tình hình có vẻ cũng không sáng sủa hơn là mấy.
Mỗi sinh vật đều có khả năng tạo ra giá trị, viên đá quý tạo ra năng lượng tốt giúp thu hút những điều tích cực cho không gian và các sinh vật xung quanh đó, đó là một giá trị, rồi cây cối cho ta oxy để hít thở, mỗi loài động vật có vai trò của nó trong hệ sinh thái trên trái đất. Nhưng khả năng tạo ra giá trị của con người là độc đáo hơn cả, toàn diện hơn cả. Con người có khả năng tạo ra giá trị to lớn, cải tạo và giữ gì sự cân bằng cho tự nhiên nếu họ muốn.
Một hành động giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn cũng tạo ra giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Người thầy thuốc làm thuốc, người công nhân tạo ra sản phẩm, người kỹ sư thiết kế bản vẽ và sáng tạo ra các loại thiết bị mới… Tất cả mọi người được đặt vào đúng trong 1 bản nhạc tạo giá trị cho thế giới này. Ở một mắt xích nào đó, 1 con người nào đó không tạo ra được giá trị hoặc giá trị tạo ra quá thấp so với những thứ anh ta thụ hưởng thì đó thực sự là sự lãng phí, một cuộc đời uổng phí.
TẠI SAO VIỆC TẠO RA GIÁ TRỊ LẠI QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC SỐNG
Có 2 khả năng: 1 là thừa nhận về sự sống luân hồi, 2 là bác bỏ sự luân hồi của sự sống. Trong cả 2 khả năng này, việc tạo giá trị đều tuyệt nhiên là điều quan trọng nhất, ngoài ra không có gì quan trọng hơn.
Với khả năng thứ 1, một năng lượng thần thánh tuôn chảy trong thân xác trần tục của mỗi chúng ta, nếu năng lượng thần thánh đó giúp cho cơ thể này được hưởng thụ mọi khoái lạc của đời sống con người, được sưởi ấm dưới ánh mặt trời, được bước chân trên mặt đất và tận hưởng mọi hạnh phúc của 1 con người bình thường thì cái thân xác này hay cái tôi tương đối này phải có trách nhiệm tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống để đền đáp cho cái năng lượng thần thánh đó vì sự tiến hóa của linh hồn, sự tiến hóa của năng lượng thần thánh sẽ tiếp diễn cho những vòng luân hồi tiếp theo. Một con người không tạo ra giá trị thì hẳn sự sống sau cái chết tương đối sẽ thật nghèo nàn và khó nhọc, mất bao nhiêu chặng đường sau đó để có thể trở lại thành 1 con người hoàn thiện trong khi cuộc chạy đua để có 1 suất trong tử cung của người mẹ sẽ ngày càng cạnh tranh hơn.
Với khả năng thứ 2, không có sự sống sau cái chết và không có luân hồi thì việc sống cuộc đời không tạo giá trị sẽ trở thành một cái chết ngay khi vẫn bước đi trên mặt đất. Họ đáng bị coi thường, khinh rẻ và ruồng rẫy vô cùng. Nếu sự sống của những con người đó chỉ dừng lại ở việc hưởng thụ khoái lạc, thậm chí chỉ dừng lại ở việc học cho thật giỏi, đọc cho thật nhiều, nói cho thật lắm rồi tập trung vào việc sinh sản, duy trì nòi giống, sống kiếp dài – ngắn nhạt nhẽo. Để cuối cuộc đời đặt lên trên bia mộ của những người đó chả có giá trị gì để lại thì chán quá. Ôi, cuộc sống đó thật sự quá chán nản để nhắc đến, và cũng đừng mất thời gian bận tâm tới những con người như vậy khi cuộc sống còn quá nhiều thứ phải lo lắng, quá nhiều điều tuyệt vời để tận hưởng, quá nhiều người đáng yêu để quan tâm.
Vì vậy, Việc tạo ra giá trị quan trọng hơn hết thảy, quan trọng hơn tiền bạc, quan trọng hơn danh vọng, quan trọng hơn hẳn việc duy trì nòi giống chỉ để duy trì duy trì giống (chẳng mấy mà con người có thể được nhân bản tự một cọng tóc)….
Xét trên mọi khía cạnh, tương đối hay tuyệt đối, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không thể khác, đó là Tạo ra giá trị.
P/S: Gần đây có một số chuyện khiến cá nhân tôi suy nghĩ nhiều về việc sự hạn chế trong tư tưởng văn hóa đậm màu mê tín nhưng dưới vỏ bọc vô thần đang kìm hãm sự phát triển của quê hương mình, của các gia đình và của các dòng họ. Thật may mắn, mỗi gia đình tôi quen biết (tôi quan hệ hẹp) đều có những người con thoát được khỏi tư duy lối mòn để đâu đó có những mầm mống phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, sự kém cỏi, ngu muội, ích kỷ… lại không khác gì những con virus gây bệnh ghê tởm, đầu tiên nó xâm nhập vào người khỏe mạnh, khiến họ ốm và chính họ trở thành nô lệ của những thứ tồi tệ đó lúc nào không hay, sau đó họ tiếp tục đi tìm kiếm và lây nhiễm sang người khỏe mạnh khác. Chỉ những người có Trí tuệ cao và một Trái tim rộng lớn được trang bị trong mình lý tưởng sống cao đẹp hoặc/và tín ngưỡng chính thống đẹp đẽ mới đủ sức kháng cự lại sự nguy hại của những điều tồi tệ kia.
Ý kiến của bạn