Ngôi nhà là nơi An yên, Tiện nghi, là Cha Mẹ.
Đứa con rứt bỏ tất cả để ra đi.
Ra đi đâu, để làm gì, hắn nào biết, nhưng sau khi ý thức “Ngôi nhà không là tất cả”, hắn ra đi để viên thành cuộc tự sinh tự hoá của mình trên những nẻo đường hoàn toàn vô định. Điều đã lôi hắn đi là những đam mê, dục vọng, khoái lạc, tham lam…
Chướng ngại hằng hà sa số chực chờ hắn: châu chấu làm thức ăn, sa mạc làm giường ngủ,… sau một thời gian thử thách chìm nổi, là ốm đau, lười biếng, hèn nhát, tủi nhục…. Tất cả cuối cùng, quật ngã hắn.
Đứa con đi hoang trở về!
Trở về là thất bại của đứa con đi hoang, nhưng một thất bại động lòng người.
Trên con đường tự giác, thất bại là chuyện thường tình và được chia đều cho các cá nhân:
Một lúc nào đó, đối với tôi, thất bại có thể là một phần hình hài bị huỷ hoại; đối với anh, thất bại có thể là một phần hình hài tâm hồn rách nát. Đối với hắn, thất bại là là một cuộc ra đi bất thành.
Một cuộc ra đi đầy kiêu căng, niềm tin của thanh xuân, phút chốc bán đồ nhi phế, phải tiếp nối bằng cuộc trở về tơi tả.
Có ra đi để trở về, hắn mới biết mình không phải sinh ra cho những cuộc ra đi. Nhưng nỗi niềm hi vọng vốn vượt quá tri thức và khả năng con người, chẳng suy chuyển trong lòng hắn. Hắn giờ đây lại hi vọng cho người khác:
“Em hãy đi…. em mang theo tất cả hi vọng của anh. Hãy mạnh mẽ: quên những người ở lại, quên anh.
Mong sao em chớ quay về…”
(- ref Bửu Ý , Đưá con đi hoang trở về, Andre Gide-)
Lấy cảm hứng từ dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” trong Kinh Tân Ước, chỉ trong 4 cuộc đối thoại và vỏn vẹn 60 trang sách, Andre Gide lay động tận sâu trong mỗi người đọc các tình huống triết lý mà có lẽ ai cũng đã từng nhập vai!
Hà Nội, 12/01/2023
Ý kiến của bạn