Có người từng nói với Đức Phật “Tôi muốn Hạnh phúc”. Đức Phật trả lời “Hãy bỏ đi chữ Tôi – đó là ngã, là ích kỷ, sau đó bỏ đi chữ Muốn – đó là tham” thì sẽ chỉ còn lại chữ Hạnh phúc. Chúng ta theo đuổi hạnh phúc, muốn hạnh phúc nhưng không thể định nghĩa Hạnh phúc là gì thì sự theo đuổi đó có khác nào giơ nắm đấm lên và đấm vào không trung để hi vọng sẽ làm đau luồng gió!
Quả đúng vậy, cuộc sống này là do chúng ta lựa chọn, hạnh phúc hay bất hạnh cũng là lựa chọn của mình mà thôi. Có những người đầy đủ về vật chất, được quan tâm bao bọc từ nhỏ tới lớn nhưng luôn miệng kêu chán nản, bất hạnh, bất mãn… Và cũng có người sinh ra không được may mắn, thiếu thốn đủ đường, nhưng luôn lạc quan và chia sẻ với những người khác. Vậy hóa ra, hạnh phúc không phải là do yếu tố bên ngoài, hạnh phúc là trạng thái xuất phát từ bên trong.
Hạnh phúc là một hành trình, không phải đích đến
Có người nói Hạnh phúc không phải là đích đến, Hạnh phúc là một hành trình. Đó là bởi vì nếu coi Hạnh phúc là đích đến thì cũng không khác gì cố gắng đuổi bắt bằng được cái bóng của ánh trăng rọi trên mặt nước, chỉ cần chạm vào mặt nước thôi, bóng trăng đó đã tan biến rồi. Còn nếu Hạnh phúc là một hành trình và trên hành trình bước đi đó, mỗi bước chân đều an lạc và trọn vẹn trong từng giây phút, từng hơi thở thì chẳng có nỗi bất hạnh phúc xâm chiếm được thân tâm. Ở trên trần gian này, trong nhận thức chung của xã hội loài người, việc coi hạnh phúc là một Hành trình thực sự có tính ứng dụng cao hơn so với việc cố gắng định nghĩa Hạnh phúc là một đích đến để theo đuổi trong vô vọng hoặc lúc đầu hăm hở, sau thất vọng rồi dần buông xuôi!
Mở rộng quan niệm “Hạnh phúc là một hành trình” chúng ta lại có thể gợi nghĩ tới một câu nói “Không có một cuộc sống hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể thêm vào trong cuộc sống của mình những khoảnh khắc hoàn hảo”. Đúng là vậy, nếu kết nối các điểm hành trên hành trình của chính cuộc đời mình, sẽ có rất nhiều khi chúng ta thấy, dù cuộc đời tổng thế có tồi tệ tới đâu, chúng ta vẫn có những giây phút thật hoàn hảo. Khoảnh khắc chúng ta nhận ra cuộc đời mình có giá trị với cuộc đời người khác chẳng hạn, đó là một khoảnh khắc hoàn hảo. Khoảnh khắc được nâng trên tay một đứa trẻ mới chào đời và biết răng đó là một đứa trẻ khỏe mạnh, thật hoàn hảo… Nhờ coi Hạnh phúc là một hành chính, cuộc theo đuổi hạnh phúc trở nên cởi mở hơn, dễ dàng hơn và có ý nghĩa hơn.
Chúng ta không thể đuổi được bóng đêm, chỉ có thể thắp lên ánh sáng
Ngày hôm trước, tôi vừa nói với vợ tôi một chuyện đùa vui mà nó là sự thật rất phổ biến trong xã hội loài người hiện nay đó là. Khi tôi bước chân từ một nơi không khí trong lành tới một nơi ám mùi hôi thối, thoạt đầu mùi đó gây khó chịu, thậm chí sây sẩm mặt mày, choáng váng. Thế nhưng khi buộc phải sống trong bầu không khí đó một thời gian, dài ngắn tùy người, chúng ta có xu hướng cho nó thành 1 phần “bình thường” của cuộc sống và mùi hôi thối đó bỗng dưng “biến mất” trong nhận thức của chúng ta. Kỳ thực, mùi hôi thôi đó vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chính chúng ta đã “lãng quên” mất mùi hôi thối đó. Chúng ta nhìn con ếch trong 1 cái giếng và thấy thương cảm cho sự cầm tù của nó đang phải trải qua, nhưng nó có coi sự thương cảm đó là đáng giá đâu, thậm chí nó còn coi những kẻ đang tròng trọc nhìn vào nó một cách thương xót chẳng khác gì những kẻ lập dị.
Trong cuộc đời mình, tôi đã thấy có những cô gái ở bên những người đàn ông rất tồi tàn như kiểu sự nghiệp công danh không có, tài chính không có, sức khỏe không có nốt và hoàn toàn dựa dẫm vào người khác… đó là tồi tệ theo một cái nhìn khách quan từ ngoài vào. Cũng có những trường hợp tôi chứng kiến người đàn ông bạo hành với người phụ nữ, với con cái,… đó cũng là tồi tệ theo một cái nhìn xã hội rõ ràng… Thế nhưng…. Rất nhiều trong số đó, khi được khuyên từ bỏ môi trường đó nếu không thể làm nó tốt nên lại có một câu trả lời giống nhau “Nhưng mà anh ấy vẫn tốt mà…” Ồ, vậy điều gì là đúng ở đây? Liệu có phải giống như xu hướng liên quan tới Mùi mà tôi đã kể ở trên chăng, liệu có phải ở trong bóng tối quen rồi chỉ cần có 1 tia sáng họ đã coi là mặt trời bừng lên phía trước mắt?
Một cuộc sống hạnh phúc không thể có được nếu chúng ta bao phủ chúng bởi những điều bất hạnh, những khó khăn, những tâm hồn tồi tệ, những thứ “bốc mùi”… Cũng giống như bóng tối vậy, chúng luôn tồn tại không bao giờ biến mất khỏi thế gian, không bao giờ biến mất khỏi chúng ta. Chúng ta không thể dùng lời nói, hành động, suy nghĩ để xua đuổi bóng tối, xua đuổi bất hạnh… với mong muốn bóng tối đi rồi, bất hạnh qua rồi sẽ là Ánh sáng, sẽ là Hạnh phúc. Điều chúng ta cần làm để có ánh sáng là mở những bức rèm đang che mất khung ra, mặt trời cứ thế vô tư chiếu rọi, nếu không thể mở rèm, hãy tìm tới nơi nào đó có sẵn ánh sáng mặt trời, vì ngay cả nơi đó, bóng tối vẫn tồn tại, chỉ là chúng không thể gây ra cảm giác bóng tối với bạn vì mặt trời đang ở đó rồi. Hạnh phúc cũng vậy, mở cửa tâm hồn, mở rộng đầu óc, đón nhận những cơ hội mới, làm cho mỗi giây phút tồn tại của mình trở nên ý nghĩa bằng cách tìm kiếm cách để giúp đỡ những người khác bằng năng lực của mình, càng nhiều người càng tốt.
Giúp đỡ người khác là cách thổi bùng lên ngọn lửa hạnh phúc nhưng nên giúp thế nào?
Tôi tin rằng chỉ có hành động giúp đỡ người khác mới mang lại những giây phút trọn vẹn, những khoảnh khắc hạnh phúc và đi trên con đường hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ có lời khuyên như vậy thì thật là chung chung và khó thực hiện bởi vì, chắc chả ai không muốn giúp người khác. Sự khác biệt chỉ nằm ở hai yếu tố mà thôi:
Một là, khi giúp người khác, tôi có mất gì không? Ở một số người dù biết là mất nhưng họ vẫn giúp đỡ, ở một số người hễ giúp người khác là phải có “lại quả” ấy cũng là giúp nhưng cách đó, khó mà mang lại khoảnh khắc trọn vẹn. Điều thú vị là chúng ta chỉ có những khoảnh khắc trọn vẹn ở những hình thức có vẻ không trọn vẹn, ví dụ như cho đi mà không cần nhận lại – nghe có vẻ không trọn vẹn chút nào về hình thức, nhưng nên nhớ cuộc sống không phải chỉ nằm ở hình thức trong một thời điểm nào, mở rộng bức tranh sẽ thấy điều bất hợp lý đó lại hợp lý đến lạ.
Hai là, khi giúp đỡ người khác chúng ta cần phải “Biết mình Biết người”. Bạn nghĩ sao nếu bạn tự thấy mình chỉ có 10 đồng mà chỉ 1 người cần bạn giúp đã muốn tới 20 đồng của bạn? Bạn vẫn có thể đồng ý giúp người đó, chấp nhận mất luôn 10 đồng, sau đó lao động cật lực kiếm thêm 10 đồng và giúp họ. Nhưng, cũng với 10 đồng đó, tại sao không nghĩ xem chúng ta có thể giúp những người chỉ cần 1 đồng để giải quyết, ta có thể giúp tới tận gần 10 người như vậy…. Lựa sức làm, lựa sức giúp, hiểu thật rõ đối tượng mình sẽ giúp đỡ, đừng để cảm xúc trong ta trỗi dậy mạnh mẽ biến ta thành một con thiêu thân lao chồm vào ngọn lửa chỉ vì nghĩ rằng đó là hạnh phúc đích thực. Hạnh phúc đích thực không có chỗ cho những người hành động mù quáng, thiếu đi Trí tuệ.
Việc hình tượng hóa 10 đồng, 1 đồng trên kia chỉ có tính biểu tượng, trên thực tế nó có thể đại diện cho thời gian, trí lực, sức lực, tài lực… hoặc tổng hợp của tất cả mọi thứ.
Đúng vậy, muốn hạnh phúc phải giúp đỡ, muốn giúp đỡ phải nằm lòng hai điều trên và trả lời được 2 điều cơ bản nhất đó rồi hẵng thực hiện, lúc đầu sẽ khó khăn, nhưng sau này sẽ thành phản xạ và nó thật đơn giản khi đã thành thục.
Hạnh phúc với tôi, đó là sự cho đi
Cho đi theo nghĩa của Phật dạy là sự Bố thí, chữ này hay bị hiểu sai liên quan tới lòng thương hại, kỳ thực Bố thí đơn giản là cho đi, và khi nào ta không còn thấy người cho, người được cho và thứ cho, đó là khi giác ngộ, ấy là sách dạy thế, tôi thì chưa giác ngộ nên vẫn lông lá hiểu đơn giản theo cách Bố thí có 3 dạng: một là Tài thí – Cho đi vật chất, Pháp đi – Cho đi bài học đúng đắn, Vô úy thí – Cho đi sự không sợ hãi. Đâu đó, cả ba thứ trên tôi đều cố gắng cho đi thường xuyên thông qua 3 cuộc đời.
Thay vì liên tục kiếm tìm những giải pháp cho các tình thế, tôi lựa chọn một hướng đi cho bản thân mình với ba cuộc đời trong một: 1 cuộc đời của một người làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, 1 cuộc đời người đàn ông của gia đình, 1 cuộc đời của kẻ tu trong đời.
Cuộc đời của một người làm sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Không có gì mang lại niềm hân hoan cho tôi hơn việc tôi vừa có thể làm nghề, vừa nuôi thân, lại vừa có thể tu trong cái nghề của mình. Điều đó, có thể gọi như combo All in One vì khi kết nối các điểm chạm trong cuộc sống của mình từ khi sinh ra (thực tế tôi chỉ nhớ được từ lúc tôi tập nói đâu đó quanh 1 tuổi, chứ thời khắc chui ra khỏi bụng mẹ thì tôi chịu), tới khi đi học, lần đầu biết khóc vì cô đơn (khoảng lớp 3), lần đầu đọc về các vị tướng cùng với phương pháp tọa thiền (từ năm 11 tuổi), tới khi chuyển trường học thêm về vật lý, lên cấp 3 học chuyên lý, đại học về Dược, ra trường làm công việc như nhân viên trong một công ty về thảo dược Việt Nam, sau đó lang thang tới những nơi khác hâm mộ Steve Job… Tất cả đều đưa tôi tới đúng nơi tôi đang ở đây: tìm mọi cách để làm các sản phẩm có chất lượng tốt nhất từ Việt Nam, bằng cách áp dụng kiến thức kỹ thuật, khả năng thấu hiểu nỗi đau, vận dụng hiểu biết sẵn có về Phật học… nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thật tuyệt là mỗi sản phẩm, dòng sản phẩm, thương hiệu đưa ra đều có triết lý riêng của nó, đều là sự cân đo đong đếm và nỗ lực của nhiều con người có tâm cùng thực hiện. Điều tuyệt vời hơn là nó luôn đi kèm với slogan Tiên phong chăm sóc của Innocare.
Cuộc đời một người đàn ông của gia đình
Cái gì chưa có, phải tạo dựng, muốn nó bền vững phải đào móng cho nó, và có một bản thiết kế trước khi bắt tay tạo dựng. Cuộc sống này do chúng ta kiến thiết, gia đình cũng vậy. Bản thân tôi không phải một người có gia đình tròn trịa như nhiều người khác, nhưng tôi hiểu rằng, mình học được từ đó. Mất đi một điều gì đó để hiểu được ý nghĩa thực sự của nó, giá trị đích thực của nó. Tôi từng tin rằng mình đủ bản lĩnh và kỹ năng để sống vậy, không cần tới bất kỳ ai, tôi vẫn có thể cống hiến đời mình cho công việc, cho sự nghiệp, cho từ thiện, cho cộng đồng… Thế nhưng tôi đã nhầm, tôi là người đàn ông với hướng về gia đình. Gia đình nhỏ là vợ con, gia đình lớn là dòng họ, gia đình lớn hơn là anh em chiến hữu… Tất cả network đều cần được chăm sóc, nâng niu. Trong bài phỏng vấn mới nhất với anh chị bên báo, tôi cũng trả lời câu hỏi “Có điều gì đó chưa làm được mà anh muốn làm nhất trong thời gian tới?” rằng “Tôi không phải là người có gia đình trọn vẹn vì bản thân mình chưa làm tốt vai trò của người đàn ông trong gia đình, thời gian tới tôi muốn dành thêm thời gian cho gia đình”
Cuộc đời của một kẻ tu trong đời
Tôi được may mắn tiếp xúc với Phật giáo theo cách trần trụi từ sớm, khi nhỏ lang thang chùa chiền mà là tự tôi thấy thích thú ở đó chứ không phải bố mẹ gửi lên, không phải ai rủ rê cả. Rồi 11 tuổi bắt đầu cầm trên tay cuốn sách Những nền văn minh thế giới, vô tình mở tới những trang sách về Phật giáo, về thiền, cứ thế thực hành rất kỷ luật, nghiêm ngặt, vô tình lại luôn quay về hướng Tây và chỉ thực hành khung giờ từ 5-6h chiều vì đó là giờ không phải học, và cũng chưa phải nấu cơm, do xưa bố mẹ đi làm về muộn, không cần nấu cơm sớm quá. Mà thật may là hồi đó tôi xin bố mẹ cho đi đá bóng, tập võ thì đều không được, vì anh tôi đi rồi, tôi phải ở nhà nấu cơm. Sau này, cũng có người hét vào mặt tôi khi tôi làm điều có lỗi “Anh đọc lắm sách Phật vào rồi sống như thế à?”.
Vâng, tôi đọc lắm lắm, đọc như chết đói vậy, rồi khi tôi làm sai, mọi người sẽ thường có câu nói như vậy, cũng phải! Giá như không đọc, không học và không nói thì chắc cũng chẳng ai hét vào mình câu đó… Sau này, đi làm tôi cũng không kiên trì cho lắm, nhưng chả ai dạy tôi cả. Quý báu lắm, tôi nhận được dăm ba lời chê bai của các sếp cũ, trong đó có người là cậu họ tôi, năm 2013 cậu chê tôi “Tao đã bảo thủ rồi mà tao thấy cháu còn bảo thủ hơn cả tao. Tuổi trẻ mà đã bảo thủ thế thì sau này khó làm việc lắm cháu”. Lúc đó tôi không hiểu, nhưng sau này tôi hoàn toàn thấu hiểu những thứ tốt đẹp như những lời dạy bảo chân thành đó, và hẳn phải rất yêu quý, thân thiết người ta mới góp ý thẳn thắn vậy với mình. Đến giờ quả thực, tôi nhớ tới những lời chê bai là chính, lời khen, gần như không nhớ mấy!
Tu trong đời là khó nhất vì Danh, Lợi, Tình luẩn quẩn chẳng xa, vậy nên lựa chọn con đường này sẽ chẳng bao giờ hết sóng gió. Chuẩn bị cho mình tâm thế tốt để đón sóng chứ không chờ sóng đến mới lo đối phó. Chuẩn chỉ trong từng sản phẩm, chuẩn chỉ trong từng hoạt động của doanh nghiệp, chuẩn chỉ trong từng việc dù nhỏ nhất để rèn luyện tâm mình, không để Danh – Lợi – Tình cuốn đi như lời của một người Cô đã nhắc tôi không dưới 3 lần.
Giống như lời dẫn của chương trình Hạnh phúc là gì trên VTV3 chúng ta phải tự viết lên câu chuyện của đời mình, Hạnh phúc phải tự mình tạo dựng, từ bên trong mình, theo cách của mình!
Ý kiến của bạn