Trong các tác phẩm Phật giáo 4 năm trở lại đây, tôi ấn tượng nhất và bị ảnh hưởng sâu sắc nhất về mặt trí tuệ với Bộ Trung quán luận của ngài Long Thọ. Không phải bởi trong đó tôi tìm thấy con đường giải thoát, không phải bởi nhìn thấy thần thông trong đó mà bởi đậm chất trí tuệ uyên thâm, tư duy phản biện sâu sắc tới tận cùng giới hạn của trí tuệ bình thường. Chỉ khi trí óc bị dồn tới đường cùng, thì một dạng trí tuệ hoàn toàn mới mới được phát sinh. Giống như câu “Nước tới tận cùng là thác đổ, người tới đường cùng người hồi sinh vậy”
Tôi thì không phải 1 Phật tử đúng nghĩa như mọi người nghĩ, tôi chỉ là tục nhân bình thường, sống bình thường, làm công việc bình thường và có duyên tìm hiểu, thực hành Phật pháp từ hồi nhỏ, đâu đó khoảng 5-6 tuổi được tiếp cận với những giáo lý của nhà Phật như Tứ diệu đế. Sau đó khoảng 10 tuổi thực tập thiền theo phương pháp trong sách bách khoa toàn thư dạy, có lẽ là 1 phương pháp ngồi thiền theo yoga Ấn Độ nhưng cách quán thiền thì như bên Thiền Tông. Rồi sau đó cứ theo dòng thời gian, cuộc sống cá nhân, học tập, công việc, hôn nhân, gia đình… tất cả mọi trải nghiệm cứ cuốn theo với những góc nhìn đa dạng về cuộc sống, đào sâu vào cái nội tâm tâm hồn, cái bản ngã mà vốn dĩ được tôn sùng thái quá nhất là thời trước 30. Để bây giờ, khi đọc và ngộ ra được gì đó ở cái tầm như trình độ hiện có, tôi lại muốn chia sẻ cho chính tôi ngày sau này đọc và cho những bạn bè có chung những niềm quan tâm nhưng chưa có cơ duyên để tiếp cận và tìm hiểu sâu về tâm linh giống như cách tôi được chỉ dẫn.
Về Trung quán luận
Trung quán luận có tựa đề tiếng Phạn: Mūlamadhyamakakārikā; tựa đề tiếng Tạng là dbu ma rtsa ba’i tshig le’u byas pa shes rab ches bya ba. Trong đó chữ Trung nghĩa là ở Giữa, thể hiện ý nghĩa sâu sắc của con đường Phật giáo là con đường ở giữa, không có vô cũng không có có, không có sắc cũng không có không sắc, không có già chết cũng không có không già chết… không có trên cũng chẳng có dưới, không có quá khứ – hiện tại – tương lai… Chúng ta luôn ở giữa tất cả những khái niệm mà chúng ta đặt ra, vì căn nghiệp này, chúng ta ở đây, và chúng ta thấy những thứ này. Đó là Phúc, hay là Họa, là Tốt hay là Xấu thì chẳng thế nghĩ bàn, chỉ có thể chấp nhận nó như là nó.
Bộ Trung quán luận không phải một học thuyết hoàn toàn mới của Phật giáo. Tương tự như các bộ luận khác trong kho tàng Phật giáo mà tôi từng tiếp cận, tôi thấy nó cũng giống y chang như cách mà các học giả vẫn thường nói rằng, đó chỉ là những cách diễn giải chi tiết những thứ cốt tủy mà Đức Thích Ca đã đi rao giảng khi còn tại thế. Cũng tương tự như cách mà Đức Phật thuyết giảng rằng “Pháp khả thuyết bất khả Pháp”, tức là Pháp nào mà có thể thuyết giảng được thì đó không phải là Pháp. Muốn hiểu Pháp phải tự mình chứng ngộ, tự mình trải nghiệm và tự mình giác ngộ. Mình phải tự gieo hạt giống và nuôi dưỡng hạt giống giác ngộ đó qua nhiều năm tháng, với nhiều nỗ lực thì hạt giống giác ngộ mới có thể thành cây giác ngộ và đơm hoa, kết quả.
Trung quán luận không đưa ra các câu chuyện về thần linh, về thần thông để người đọc trầm trồ tán thán Phật pháp. Trung quán luận, ngược lại chỉ sử dụng phương pháp tư duy logic thông thường, phép phân tích của Phật giáo và dựa trên nền tảng những gì Phật đã từng giảng nhằm mục đích giúp cho mọi người hiểu được sâu sắc, thuyết phục hoàn toàn bằng trí tuệ và bằng tư duy lý tính về những điều Phật giáo rao giảng. Đó là về thuyết nhân duyên, đó là về tính không, đó là về bản ngã, đó là về thời gian, về sự thay đổi….
Bộ Trung quán luận có 27 chương, để mà có thể hiểu được hết tất cả và thực sự thấm thía thì sẽ phải mất nhiều năm chuyên tâm học hỏi, suy ngẫm, hành thiện. Trong khả năng của mình, với những hiểu biết khiêm tốn, và sự thôi thúc cháy bỏng từ bên trong, tôi mong muốn có thể dành từ 1-2 năm để chia sẻ về ý nghĩa của từng chương trong 27 chương của bộ luận. Như tinh thần đã nói ở trên, chia sẻ cho chính tôi của những ngày sau và chia sẻ cho những người bạn hữu cùng mối quan tâm nhưng chưa đủ nhân duyên để tiếp cận Phật giáo cơ sở hoặc những điều tương tự.
Một điều lưu ý với các bạn bè của tôi, Phật giáo rất khác biệt so với các tôn giáo khác trên thế giới. Xét trên nhiều khía cạnh, Phật giáo thực chất là một môn triết học sâu sắc giúp giải thoát con người khỏi sinh tử, giải thoát khỏi nhà tù do chính tâm tạo tác. Phật giáo cũng là một tôn giáo mà tôi thấy gần gũi hơn cả với Tâm linh và thực tế là 1 con đường để phát triển tâm linh tốt nhất. Sự hiểu biết Phật giáo không chỉ dẫn dắt người ta tới sự hoàn thiện của bản thân từ bên trong tới bên ngoài, nó còn có thể dẫn dắt toàn thế giới sang một thời kỳ tiến hóa tâm linh mãnh liệt mới nếu nhất loạt cộng đồng đều biết tới, tin tưởng và thực hành đầy đủ những điều đúng đắn mà Phật giáo đã chia sẻ.
Bài viết này sẽ chỉ nói chung vậy thôi, hẹn mọi người trong 1 bài viết gần nhất cuối tháng 1 về chương đầu tiên của Trung quán luận.
27 chương trong bộ Trung quán luận với 27 luận
- Quán nhân duyên(pratyayaparīkṣā)
- Quán khứ lai (gatāgataparīkṣā)
- Quán lục tình (cakṣurādīndriyaparīkṣā)
- Quán ngũ ấm (skandhaparīkṣā)
- Quán lục chủng (dhātuparīkṣā)
- Quán nhiễm nhiễm (rāgaraktaparīkṣā)
- Quán tam tướng (saṃskṛtaparīkṣā)
- Quán tác tác giả (karmakārakaparīkṣā)
- Quán bản trú (pūrvaparīkṣā)
- Quán nhiên khả nhiên (agnīndhanaparīkṣā)
- Quán bản tế (pūrvaparakoṭiparīkṣā)
- Quán khổ (duḥkhaparīkṣā)
- Quán hành (saṃskāraparīkṣā)
- Quán hợp (saṃsargaparīkṣā)
- Quán hữu vô (svabhāvaparīkṣā)
- Quán phọc giải (bandhanamokṣaparīkṣā)
- Quán nghiệp (karmaphalaparīkṣā)
- Quán pháp (ātmaparīkṣā)
- Quán thời (kālaparīkṣā)
- Quán nhân quả (sāmagrīparīkṣā)
- Quán thành hoại (saṃbhavavibhavaparīkṣā)
- Quán Như Lai (tathāgataparīkṣā)
- Quán điên đảo (viparyāsaparīkṣā)
- Quán tứ đế (āryasatyaparīkṣā)
- Quán niết-bàn (nirvāṇaparīkṣā)
- Quán thập nhị nhân duyên (dvādaśāṅgaparīkṣā)
- Quán tà kiến ( dṛṣṭiparīkṣā)
Nghianb 2023
Ý kiến của bạn