Tôi thích tìm kiếm những góc nhìn đời thường trong Phật Giáo bên cạnh việc nghiên cứu các kinh điển phổ thông của Phật Giáo. Đâu đó trong con người mình khao khát được tìm kiếm sự thật, khao khát được thỏa lấp một khoảng mênh mông vô tận trong con người khiến tôi bén duyên với Phật giáo từ rất sớm, từ khi chưa biết đọc, biết viết.
Lớn lên tôi nhìn Phật giáo không giống cách đa số người xung quanh nhìn. Mọi người tới chùa, đọc kinh, cầu pháp, cầu tài, cầu lộc, lễ lạt cầu kỳ… có mục đích rõ ràng và cụ thể. Với tôi, khi nhỏ đi theo mẹ lên chùa tôi cũng làm như gì được dặn dò nhưng đâu đó thấy mọi thứ không ổn. Và dần dần những cuốn sách về Phật giáo cứ một cách tự nhiên thế nào đó được ai đó trao đến tôi theo cách tôi cũng không bao giờ nghĩ tới, tôi chỉ biết rằng, đó là Duyên thôi!
Gần đây có một cuốn sách khá hay của ngài Sulak Sivaraksa, người Siam viết về chủ đề Kinh tế học Phật giáo, tôi tin rằng ai cũng nên đọc.
Vài nét về cuốn sách và nội dung cuốn sách Minh triết của sự bền vững
- Đối lập với nền kinh tế dựa trên Chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại (Modern Consumerism), Nền kinh tế vận dụng đầy đủ triết lý Phật Giáo là minh triết của sự bền vững.
- Nếu như nền kinh tế dựa trên Chủ nghĩa tiêu dùng thống trị thế giới hiện tại hướng người ta tới thỏa mãn tiêu dùng cá nhân, sử dụng bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, phân cấp giàu nghèo ngày càng rõ rệt thì Kinh tế Phật giáo hướng con người tới giá trị căn bản của sự sống, hài hòa với tự nhiên, bình đẳng giữa người với người.
- Thay vì giúp con người Tồn tại với mục đích Hưởng thụ tối đa, coi đó là mục đích sống cuối cùng thì KT Phật giáo giúp con người thực sự Sống và Theo đuổi giá trị đích thực của sự sống!
- Thay vì khuyến khích những thay đổi vĩ mô để điều chỉnh xã hội, tác giả hướng tới sự thay đổi từ tầng đáy và sự thay đổi từ bản chất.
- Thay vì khuyến khích tiêu dùng theo chủ nghĩa tiêu dùng hiện đại, tác giả khuyến khích tiêu thụ vừa đủ tài nguyên và có cải tạo cân bằng.
- Thay vì khuyến khích các trường “dạy nghề” như đại học hiện đại, tác giả đã cùng thành lập những trung tâm đào tạo hướng tới sự khám phá bản chất sâu sa bên trong mỗi cá nhân nhờ hệ thống giáo dục Phật giáo.
- Thay vì bất mãn với thể chế chính trị và bạo lực cách mạng, tác giả hướng tới sự thay đổi bên trong xã hội và các biện pháp bất bạo động.
…..
Ngài Sulam Sivaraksa người Siam mang tới nhiều góc nhìn thú vị về các thiết chế hiện đại, về đất nước Siam (Thái Lan) quê hương của ngài. Trong cuốn sách cũng có nhắc tới sự học hỏi của ngài với ngài Thích Nhất Hạnh, người Việt.
Một cuốn sách nhỏ rất đáng đọc với tất cả mọi người, đặc biệt các doanh nhân hiện tại mọi ngành nghề!
Hà Nội, 18-8-2021
Ý kiến của bạn