Phức cảm vượt trội là giả vờ bản thân là người mạnh mẽ, vĩ đại và hoàn hảo để che giấu đi phức cảm tự ti. Cũng giống như họ giả vờ tỏ ra cao lớn bằng cách đi trên ngón chân của mình, mặc dù bản thân thật sự thấp bé.
Chúng ta có thể đâu đó đã được nghe nói tới những từ như tự ti, ngược lại với nó có thể là từ “ảo tưởng sức mạnh” “tự tin thái quá”… Theo Adler, nếu 1 người thường xuyên ở trong trạng thái cảm thấy mình vượt trội, thậm chí còn cảm thấy những người quanh mình đặc biệt là bố mẹ mình, con cái của mình là vượt trội (nhưng thực tế thì không được như vậy). Tình trạng thường xuyên ở trong trạng thái đó, cộng với các hành động, suy nghĩ thể hiện tình trạng đó có thể được coi như một người đang có phức cảm Vượt trội. Tình trạng này nếu so với phức cảm tự ti, về sâu xa cũng có nhiều điểm tương đồng.
Dấu hiệu của người mang phức cảm vượt trội
Phức cảm vượt trội là sự đề cao tới mức phóng đại về giá trị bản thân. Nó che giấu cảm giác thực sự của sự tầm thường.Theo Anfred Adler, cha đẻ của trường phái tâm lý học cá nhân, ông cho rằng phức cảm vượt trội và phức cảm thua kém sẽ đi đôi với nhau. Điều này tôi thấy cũng là đúng đắn như quy luật của tự nhiên có âm – có dương, có cực âm thì có cực dương, nếu coi mỗi cá nhân là 1 chỉnh thể luôn có xu hướng cân bằng trở lại để tồn tại thì điều này chẳng thể sai.
Adler cho rằng một người luôn có cách hành xử hơn người và coi người khác là kém cỏi hơn thực sự đang che giấu cảm giác tự ti ẩn sâu bên trong. Tương tự như vậy, một số người có khát vọng cao có thể cố gắng xoay sở bằng cách giả vờ khiêm tốn hoặc che giấu năng lực bản thân.
Những người mang phức cảm vượt trội có một vài đặc điểm chung: luôn coi mình là thông minh vượt trội, luôn tin rằng mình xuất thân cao quý, con cái của họ luôn giỏi hơn những đứa trẻ khác, tin rằng nếu bản thân mình, người thân của mình, con cái mình… không bằng người khác thì đó là điều không may mắn chứ không phải do năng lực… mặc dù sự thật có thể là hoàn toàn ngược lại. Những người này đa số sử dụng phức cảm vượt trội như một công cụ để vượt qua trạng thái tầm thường của bản thân, hoặc/ và che giấu những thất bại nặng nề trong quá khứ…)
Tâm lý học cá nhân của Adler dựa trên ý tưởng rằng tất cả chúng ta đang cố gắng vượt qua cảm giác không phù hợp hoặc thấp kém, và điều này tạo động lực cho chúng ta thành thạo các kỹ năng và sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Vượt qua cảm giác thua kém là động lực để chúng ta sống cuộc sống mà chúng ta muốn. Trong bối cảnh này, phức cảm vượt trội là kết quả hoặc là phản ứng đối với việc không đạt được một mục tiêu nào đó hoặc không đáp ứng được mong đợi của bản thân.
Nói cách khác, người mang phức cảm vượt trội thường không cố gắng dành năng lượng vào đúng chỗ để trở nên mạnh mẽ, thay vì vậy họ có xu hướng đánh bóng, màu mè khiến cho họ trông có vẻ đẹp hơn thực tế.
Điều gì gây ra phức cảm vượt trội
Nguyên nhân thực sự hình thành phức cảm vượt trội vẫn còn chưa được rõ ràng mà chỉ là các giả thuyết. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đó là, phức cảm vượt trội được hình thành với một múc đích rõ ràng và không có ai sinh ra đã có phức cảm vượt trội và không phải một người chỉ đôi lúc (hiếm khi) có suy nghĩ “mình vượt trội” đã bị coi là mắc phức cảm vượt trội. Người mang phức cảm vượt trội phải là người có xu hướng bị ám ảnh bởi suy nghĩ “mình vượt trội” một cách vô lý, suy nghĩ này không chỉ áp dụng cho chính bản thân người đó mà còn ám ảnh sang cả những người thân, đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống trực tiếp với họ (bố mẹ, con cái, ông bà)
Cá nhân tôi tin rằng, trong cuộc sống có nhiều sự kiện bao gồm cả những thành công đột ngột, bất ngờ đi kèm với những thất bại nặng nề, kết hợp với hoàn cảnh đặc biệt về gia đình, các mối quan hệ đổ vỡ… có thể là nguyên nhân gốc rễ.
Ví dụ như một người đạt được những kết quả học tập thực sự tốt trong suốt thời thơ ấu, bỗng dưng thất bại khi bước chân vào đời, công việc bết bát, tình cảm đổ vỡ, gia đình ly tán… nhiều điều bất lực không đủ bản lĩnh để xoay chuyển cục diện…. Sau đó, để xoa dịu từ bên trong, người ta cố gắng gồng mình lên và gây dựng những hình ảnh vượt trội cho bản thân cùng những thứ xung quanh mình để che giấu đi sự yếu kém (vốn khó thừa nhận) của bản thân.
Aldred Freud nghĩ rằng phức cảm vượt trội thực ra là một cách bù đắp hoặc bù đắp quá mức cho các lĩnh vực mà chúng ta không tốt. Ông nghĩ rằng nó có thể là động lực hoặc là một cách để giúp chúng ta đối phó với thất bại.
Đôi khi Phức cảm vượt trội dễ bị nhầm lẫn với Sự tự tin. Sự khác biệt rõ nhất là đó Phức cảm vượt trội không xuất phát từ việc bản thân người đó vượt trội, trong khi đó Sự tự tin xuất phát từ việc chúng ta thành thục một kỹ năng nào đó trong cuộc sống.
Phức cảm vượt trội có thể bắt đầu từ khi nào
Trong tự nhiên hoang dã, hay bản năng động vật của chúng ta, chúng ta phải thường xuyên đương đầu với những mối nguy hiểm của tự nhiên. Một trong những cách đó là cố gắng xù lông, giương đờm, dựng lông… Tóm lại cố gắng để cho những kẻ thù thấy rằng chúng ta “lợi hại” mặc dù có thể chúng ta cũng vô hại giống như con rết cây khổng lồ châu Phi sau đây vậy, nó chỉ ăn thực vật đã phân hủy và có thể nuôi làm thú cưng….
Những hành vi này có thể bắt đầu từ khi còn nhỏ. Khi một đứa trẻ đang học cách đương đầu với những thách thức và thay đổi, chúng có thể học cách kìm nén cảm giác không thỏa đáng hoặc sợ hãi. Phức cảm vượt trội có thể từ đó phát triển.
Tương tự như vậy, phức cảm vượt trội cũng có thể xảy ra sau này trong cuộc sống. Là thanh thiếu niên và người trưởng thành, một người có nhiều cơ hội để trải nghiệm những điều mới cùng những người bạn mới. Nếu những tình huống này không xảy ra đúng như mong đợi, người đó có thể hình thành phức cảm vượt trội để vượt qua cảm giác bị cô lập hoặc thiếu thốn.
Những hành vi thể hiện phức cảm vượt trội có thể bắt đầu từ khi chúng ta còn rất nhỏ, khi là 1 đứa trẻ phải kìm nén cảm giác không thỏa đáng hoặc sợ hãi. Bắt đầu với biểu hiện là ba hoa, khoác lác, thường xuyên khoe khoang về những hiểu biết và mối quan hệ, kỹ năng … trong khi thực tế hoàn toàn không dành nỗ lực để rèn luyện kỹ năng đó. Hoặc cũng có thể xuất phát từ bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống, sau những biến cố, sự kiện trong cuộc sống xảy ra không theo mong muốn, đa phần là những thất bại không có cách sửa chữa.
Làm sao để nhận ra một người có phức cảm vượt trội
Trên thực tế, không có triệu chứng cụ thể cho người mang phức cảm vượt trội. Việc tiếp xúc một vài lần gần như không thể phát hiện ra một người có phức cảm vượt trội hay không, tương tự vậy với người mang phức cảm tự ti. Rất khó để phát hiện nếu bạn không phải một chuyên gia và không có thời gian tiếp xúc đủ lâu dài. Một số triệu chứng của phức cảm vượt trội tương tự như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như rối loạn nhân cách ái kỷ, tâm thần phân liệt, mất trí nhớ và rối loạn lưỡng cực.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng, các vấn đề về mặt sức khỏe tâm thần, xã hội như trường hợp mang phức cảm vượt trội nặng nề thường có thể phát hiện được nếu như người quan sát vượt qua được ranh giới giữa ngôn từ và kết quả, nhìn sâu vào những dấu ấn quá khứ để để lại của người khác.
Thông thường, việc xem xét một người, bao gồm cả trẻ em và người lớn có phức cảm vượt trội hay không chúng ta cần xem xét 03 vấn đề chính:
- Thứ 1: biểu hiện của hiện tại: người đó có hay tự khen bản thân, khen người thân, khen các thứ liên quan tới người đó hay không. Ở đây chúng ta phải phân biệt giữa một người lãng mạn, lạc quan với một người mang phức cảm vượt trội. Và phải thừa nhận rằng, sự phân biệt này sẽ cần phải xem xét tới điều thứ hai.
- Thứ 2: hãy xem các kết quả người đó đã tạo ra trong quá khứ. Khi xem xét một con người, cách đơn giản là chúng ta xem xét toàn diện IQ và EQ của người đó, các loại hình trí thông minh và kết quả của việc học tập, lao động. Để xem người đó đã tạo ra được dấu ấn gì về mặt khoa học, nghệ thuật, xã hội…. trong quá khứ và so sánh với những thứ người ấy tự nói về bản thân, về những điều xung quanh bản thân.
- Thứ 3: đào sâu vào những vấp ngã, thất bại, tổn thương… chủ yếu là những thứ người đó phải đối đầu trong quá khứ. Cho dù có thể nó bị các câu chuyện thần thoại người ta tự tô vẽ thêm che lấp thì đâu đó vẫn sẽ có những sự thật phơi bày. Phải thừa nhận rằng điều này cũng không dễ vì thường họ sẽ không nói thật trừ khi bạn trở thành 1 chuyên gia được họ chỉ định hoặc trở thành 1 phần trong cuộc đời của họ.
Phức cảm vượt trội này có cần điều trị không và làm cách nào để điều trị
Phức cảm vượt trội cho tới nay không có phương pháp điều trị vì nó không được coi là một chẩn đoán bệnh lý chính thức. Tuy nhiên, một người nào đó có kiến thức chuyên môn về sức khỏe tâm thần có thể đưa các giải pháp trị liệu tại nhà. Phương pháp này có thể giúp người mắc phức cảm vượt trội hiểu bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào đối với hành vi khoe khoang. Cuối cùng nó sẽ giúp người gặp vấn đề biết cách xử lý chúng theo cách có lợi hơn.
Điều quan trọng nhất trong trị liệu tại nhà là những cuộc nói chuyện cởi mở giữa người trị liệu và người gặp vấn đề. Trong bất kể trường hợp nào, người gặp phức cảm vượt trội cần phải có niềm tin tuyệt đối vào người trị liệu và sẵn sàng chia sẻ chân thành, cũng như chấp nhận những gì mình đang gặp phải có thể là một vấn đề gây ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống cá nhân. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong trị liệu.
Sau đó, người trị liệu giúp người gặp vấn đề cảm thấy họ luôn được che chở, được tha thứ và không hề bị phân biệt đối xử cho dù họ có gặp vấn đề hay không gặp vấn đề, có giỏi hay có không thực sự giỏi.
Khuyến khích người gặp vấn đề phức cảm vượt trội nhìn nhận mọi việc một cách đơn giản hơn. Đối mặt thường xuyên với những vấn đề khó khăn mà trước đây chưa giải quyết được, lựa chọn các phương pháp giải quyết và các khả năng có thể xảy ra. Từ đó, đưa tới các vấn đề mới và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Đối với những đứa trẻ gặp phức cảm vượt trội, điều quan trọng là chỉ ra cho chúng những điểm tốt để khuyến khích, bên cạnh đó chỉ ra tác hại của những việc như nói dối, khoe khoang, coi thường người khác… Nếu có thể, hãy cho trẻ tham gia các buổi sinh hoạt tập thể có những người giỏi hơn và các bạn kém hơn về mặt nào đó để chúng thấy việc hơn thua là bình thường và chấp nhận những điều đó như một phần của cuộc sống. Và cho dù như thế nào thì người thân cũng sẽ ở bên cạnh chúng và không coi thường chúng.
Đối với người lớn, câu chuyện sẽ đi xa hơn, vì các trường hợp này thường đã che giấu một thời gian dài. Thời gian trải qua phức cảm vượt trội càng dài thì cơ hội chữa lành cân bằng càng mong manh. Điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào gia đình, người thân… đặc biệt nhất định phải có những người có khả năng trị liệu ở bên cạnh. Nếu không thường sẽ không thể phát hiện và không thể đưa ra các biện pháp giải quyết thích đáng. Khuyến khích họ trung thực hơn về cảm xúc của bản thân, nhìn nhận chân thành và thấu đáo hơn về năng lực của bản thân, của những người xung quanh. Tiếp đến là phân tích sâu về các mặt của 1 vấn đề, của 1 thất bại, 1 thành công trong quá khứ… và tìm kiếm các lĩnh vực mới trong việc phát triển bản thân.
Hãy buông bỏ phức cảm vượt trội, ngừng giả vờ tỏ ra mạnh mẽ và thôi mong đợi được đánh giá cao.
Một số câu điển hình của Alfred Adler về phức cảm vượt trội
Đừng cố gắng để “tỏ ra mạnh mẽ”. Hãy cố gắng để “trở nên mạnh mẽ”
Một người tự cô lập mình với mọi người nhưng lại quả quyết tự nhận rằng mình nổi bật và đặc biệt đẳng cấp. Tôi không thể chia sẻ niềm vui này với kẻ đó vì sợ hãi.
Suy cho cùng, người ta nói những điều như “Tôi quen biết người nổi tiếng”, “Đó là một chiếc xe tốt”, hay “Đó là một công việc tuyệt vời” cũng vì không tự tin. Họ đang cố giấu đi tiếng thét của nỗi sợ.
Quần áo lòe loẹt, kiểu tóc khác biệt, nhãn hiệu nổi bật, cười thật lớn, ánh mắt láo liên, hay chen ngang vào câu chuyện… mọi thứ đều do cảm giác tự ti mạnh mẽ gây ra.
“Tôi thật khốn khổ và thảm hại”, “Tôi rất xấu hổ khi phải thú nhận lỗi lầm và thất bại lớn nhất của mình” – đừng để bị lừa. Đó chỉ là cách họ khoa trương về sự khốn khổ và thất bại của bản thân.
Bằng cách hạ thấp người khác, bạn “chiến thắng” mà không cần nỗ lực gì. Vui sướng trên nỗi đau của người khác, phỉ báng, mách lẻo, hay tiết lộ bí mật của người khác… chiến lược hèn hạ này được gọi là “khuynh hướng hạ thấp giá trị”.
Một người quá tốt thì thật đáng ngờ. Một người luôn hòa nhãn, lịch sự, tốt bụng và hào phóng có thể chỉ là một kẻ đạo đức giả.
CÓ những kẻ sở khanh, trai bao khiến phụ nữ khóc. Có những người đàn ông cháy bỏng đam mê tán tỉnh những cô gái xinh đpẹ. Nhưng cũng có nững người phụ nữ thao túng những người đàn ông như vậy. Mọi người sử dụng tình dục và thậm chí hôn nhân như một công cụ để theo đuổi tính vượt trội.
Đối với trẻ nhỏ: Việc được bố mẹ khoe khoang sẽ khiến trẻ nhỏ hiển nhiên cho rằng mình sẽ thu hút được sự quan tâm và tán thưởng mà không cần cố gắng gì cả. Từ đó, cả cha mẹ và con cái đều ngập tràn trong phức cảm vượt trội. Do đó, hãy cẩn thận việc “đắc ý” quá mức trên các mạng xã hội.
Ý kiến của bạn