Ngày xưa, khi đọc sách xuất bản bởi các nhà xuất bản uy tín, sách dịch bởi các dịch giả uy tín… tôi thấy thu nạp được nhiều kiến thức, tư duy cũng từ đó có thêm nền tảng hiểu biết và phản biện.
Sau này, khi việc xuất bản sách dễ dàng hơn, thị trường hơn thì các sách “thương mại” cũng từ đó mà tăng lên theo cấp số nhân. Đánh vào tâm lý muốn đổi đời nhanh, muốn làm giàu nhanh, muốn yêu đương nhanh… Các sách này dần bộc lộ những điểm yếu là tư duy lập luận thiếu chặt chẽ, thiếu cơ sở khoa học, thiếu kiến thức nền tảng… Tuy nhiên, đây không phải lỗi của các tác giả, mỗi tác giả có 1 trình độ nhất định, họ phản ảnh trình độ tư duy và góc nhìn, quan điểm cá nhân trong mỗi cuốn sách. Do đó, kiến thức họ chia sẻ hoàn toàn có thể “sai”. Những người cầu thị sẽ muốn được độc giả phản biện thay vì được tin tưởng một cách mù quáng tuyệt đối.
PHẢN BIỆN VÀ TƯ DUY TIẾN HÓA NHƯ THẾ NÀO?
Trước đây, khi học về Phật pháp, Triết học Đức, Triết học cổ Ai Cập… sự liên tưởng tới tâm lý học, tới kinh tế, tới vật lý, tự nhiên… khiến tôi hết sức hứng thú. Tuy nhiên, những biến cố trong cuộc đời khiến tôi nhìn nhận mọi thứ theo 1 góc nhìn khác đi. Không thỏa mãn với những giải thích cả trong sách của Phật Giáo về “Duyên” và “Nghiệp”… về những thứ bắt buộc phải xảy đến và những thứ không thể tránh khỏi.
Ví dụ như: “nếu không gặp phải bất hạnh đó sẽ lại dính vào bất hạnh khác mà khéo còn khủng khiếp hơn” hoặc “nếu thằng đó không lừa thì thằng khác lại lừa mình thôi, mà có khi còn khốn nạn hơn”… Những câu nói đó khiến tôi liên tưởng tới câu an ủi của các bố mẹ, anh chị thời xưa “học tài thi phận con ạ, thua keo này bày keo khác” hoặc “sinh viên dược mà không thi lại thì không phải sinh viên dược”…
Không, tôi chẳng bao giờ có thể chấp nhận những câu an ủi kiểu đó nữa rồi. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới quan của mình, và thế giới quan của những người khác, giúp họ tránh khỏi những tai ương của cuộc đời bằng những phép nhiệm màu của lòng vị tha, từ bi và trí tuệ. Nhiều người có thừa sự Từ bi và hỉ xả nhưng trí tuệ bị che lấp khiến cho cuộc sống luôn bất trắc cho tới khi trí tuệ lờ mờ le lói. Trí tuệ ở đây là khả năng hiểu thấu lòng người, hiểu được những quy luật vận hành trong tâm trí mỗi con người, chủng người, văn hóa vùng miền, động cơ của mỗi người, quy luật tự nhiên – xã hội…
Tôi từng nói với nhiều người “tôi chấp nhận sai lầm nhưng sai lầm tới lần 2 theo 1 cách là điều KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN”, cá nhân tôi đã tự đày đọa và dằn vặt bản thân không biết bao nhiêu lần vì những sai lầm theo cách trên.
Từ trong sự đày đọa và dằn vặt đó, tư duy phát triển, sự thận trọng nhưng không mất đi tính thẳng thắn, rộng lượng vốn có. Tư duy phản biện từ đó bật lên nhưng là những câu hỏi từ trải nghiệm để buộc người đưa giải pháp, chính kiến phải bộc lộ bản thân của họ và cùng nhau tìm kiếm câu trả lời đúng đắn, để vẽ một bức tranh tổng thể thay vì chỉ thấy 1 góc bé xíu như “Thầy bói xem voi”
TƯ DUY PHẢI TIẾN HÓA CÙNG TÌNH THƯƠNG
1 người được gọi là Người vì “nhân tri sơ, tính bản thiện”, sự thiện lương trong mỗi con người là điều tất yếu, nếu một con súc vật sau nhiều đời tiến hóa đầu thai thành 1 con người thì cũng chẳng lạ nếu nó đã phát triển được tình thương mến, sự trung thành… mặc dù trí tuệ có thể không cao. Tôi tin là như vậy.
Sự tiến hóa của Tư duy sẽ bộ lộ Trí tuệ hay Trí huệ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nó vĩnh viễn không có giá trị hoặc không thể tỏa sáng chói lọi nếu thiếu đi Tình thương, lòng trắc ẩn. Tình thương này phải được gạt bỏ khỏi sự ích kỷ, chủ nghĩa vị kỷ khi mọi thứ lo lắng vun vén chỉ nhằm 1 mục đích có lợi cho bản thân. Chủ nghĩa vị kỷ hiện đại rất dễ qua mắt những người thiếu trí tuệ, trải nghiệm vì những người theo chủ nghĩa vị kỷ hiện đại họ vẫn quan tâm tới bạn, vẫn quan tâm tới anh chị em, tới đối tác… nhưng thứ đại đa số không nhìn thấy là Động cơ thực sự bên trong, nếu động cơ bên trong chỉ nhằm mục đích thỏa mãn cho nhu cầu, dục vọng của cá nhân người đó, thì chủ nghĩa vị kỷ đó sớm muộn cũng gây ra đau khổ liên miên cho những người khác, và tình thương đó không phải tình thương, đó là sự lợi dụng một cách có tính toán của một trái tim vô cảm.
Chúng ta hãy nhớ hình ảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát, người lắng nghe mọi khẩn cầu, mọi âm thanh rên rỉ đau khổ của thế gian nhưng người không thể đưa bàn tay của mình ra để trực tiếp nâng niu và che chở cho mỗi người, điều mà các vị Bồ Tát có thể làm được đó là cho đi những pháp, giúp con người hiểu được về luật, sống theo luật để đạt được những thành tựu thay vì mù quáng theo chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa tiêu dùng cực đoan… Ở cấp độ con người – con người, bố mẹ – con cái… cũng chỉ nên như vậy mà thôi. Điều gì xảy ra nếu 1 vị bồ tát hi sinh cho 1 con người tồi tàn, thậm chí cho 1 đứa trẻ để vị bồ tát đó biến mất và không còn khả năng độ cho phần còn lại của thế giới loài người???
Nếu vũ trụ này chỉ là một âm Om bao quát cả Trí huệ và Từ bi, cả Âm và Dương, Quá khứ – Hiện tại – Vị lai thì để ngộ được âm Om này người ta cũng mất vô lượng kiếp rồi. Hiểu được đúng và không quy phục tuyệt đối trước những thứ bị quy chụp cho Duyên, Nghiệp… đứng lên bước tiếp, trải nghiệm, hoàn thiện Trí tuệ và Từ bi là cách duy nhất giúp chúng ta lấp đầy khoảng trống mênh mông được tạo ra ngay từ khi chúng ta bị ném vào trong thế giới này với một hành trình vô định, sứ mệnh nào đó mà đa số dành cả đời vẫn không thể hiểu!
Ý kiến của bạn