Một chút hiểu biết về Tính không bằng vài năm học triết và khoa học thông thường. Một niệm Bồ đề phát ra có hiệu lực hơn việc bố thí cả tiền bạc châu báu trăm lần. Ấy là những gì tôi đọc và nghĩ nó đúng, ít nhất không cần dùng lý trí để hỏi đúng sai mà tự bên trong nhận thấy những nghiệm chứng mơ hồ.
-
Phật giáo mang họ gì ?
Nếu người con mang họ của Cha thì Phật giáo mang họ Bồ đề với Bồ đề tâm là Cha và Trí tuệ tính không là Mẹ. Có cả cha cả mẹ mới có con.
-
Phật giáo có nhiều phái không?
Mặc dù hiện tại nhiều người chia Phật giáo ra thành nhiều phái khác nhau, Nam – Bắc, Tiểu – Đại, Mật – Hiển… nhưng suy cho cùng thì cũng chỉ là những phương pháp tiếp cận khác nhau phù hợp với những sinh linh đại đồng nơi đó. Bản chất Tôn giáo vẫn là phần Thấy để truyền tải những điều không thấy theo cách “Đời” nhất.
-
Có phải cứ niệm Phật là sẽ thoát khổ ?
Tịnh độ tông sử dụng phương pháp tụng niệm hồng danh của Phật để được lợi lạc và nâng đỡ, để hồi hướng bản thân. Tuy nhiên, nghĩ sao nếu niệm Phật nhưng đầu óc bộn bề mưu toan, thủ đoạn,… Có lần tôi được nghe ai đó kể về việc đi tới 1 buổi giảng giải của ai đó về cách để trừ nghiệp xấu của 1 vị Phật tử, được hướng dẫn cứ có tội lỗi gì thì tối về quay mặt hướng Tây và niệm gì đó (tôi không nhớ). Tôi nghĩ là điều đó không hiệu quả hoặc có thì hiệu quả rất thấp, không thấy rõ được. Niệm Phật phải kết hợp được với Giới – Định – Huệ mới thực sự có hiệu lực. Ấy là những gì tôi từng nghiệm thấy với mình, còn nhiều thứ khác nữa, nhưng không thể chia sẻ hết.
-
Phật giáo có phải Tôn giáo không ?
Đúng vậy nhưng không chỉ vậy. Tôi thấy đây là một môn triết học và khoa học mà bản thân tôi vận dụng trong mọi khía cạnh cuộc sống đều thấy đúng, ít nhất là tới bây giờ dù trình độ còn rất kém cỏi.
-
Nếu coi Phật giáo là môn khoa học thì Phật giáo sẽ gần nhất với môn khoa học gì?
Tôi thấy giống với Triết học và Vật lý học nhất. Mà thực ra cũng không nên quá rạch ròi giữa môn này với môn kia, đôi khi khiến cho các bạn học sinh thích môn nọ mà sợ môn kia, thực tế chúng đều là Khoa học cuộc sống và môn này hỗ trợ môn kia.
-
Người học Phật có phải là mê tín không ?
Không.
Như đã nói trên đây, Phật giáo thực chất cũng là một môn khoa học, một phương tiện được tổ chức một cách hệ thống. Nhưng khác với các môn khoa học thường thấy, mục đích của môn này là giải thoát toàn bộ tiềm năng bên trong con người bao gồm cả 95% phần não chưa được khai thác, không chỉ vậy, còn giúp giải quyết triệt để bài toán lớn “Chúng ta sinh ra từ đâu? Tới đây làm gì?”. Không vị thần nào giúp chúng ta giải đáp câu hỏi đó, chỉ có tiếng nói bên trong mà thôi. Và tôi tin Phật giáo được học tập và thực hành đúng cách sẽ giúp đánh thức tiếng nói bên trong, ngày một rõ rệt.
Về vấn đề mê tín. Bản thân chữ “mê” có vẻ như mang nghĩa tiêu cực rồi, đi ngược hẳn với những thứ tốt đẹp mà Phật giáo chính thống nói tới. Phật giáo chính thống khuyến khích phản biện, khuyến khích đặt câu hỏi, khuyến khích tỉnh thức, khuyến khích từ bỏ những thứ chấp ngã, mê muội, tham-sân-si. Nên chắc chắn người rèn luyện Phật giáo chính thống không phải là người mê tín.
-
Hình tượng nào mô tả đúng nhất về Giáo lý Phật ?
Trong Bát nhã ba la mật – trái tim của Kinh Phật, có câu cuối “Yết đế Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha” có thể hiểu là “Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia hoàn toàn sẽ đạt đến giác ngộ. Ngài khéo nói như vậy”. Và đó là lời Đức Phật nói về hình ảnh Phật giáo là giáo lý sẽ đưa người tu qua được bến bờ đạt giác ngộ. Để qua được đó, giáo lý này được ví như chiếc bè, thuần thục nó, nắm lấy nó sẽ có phương tiện để đạt tới giác ngộ hoàn toàn, hay trở thành bậc toàn giác, trở thành vị Phật mới. Vậy hình ảnh Chiếc bè là hình ảnh so sánh đơn giản và gần gũi nhất với Phật giáo, do đó Giáo lý Phật còn được so sánh với Giáo lý chiếc bè.
-
Có phải có 1 vị Phật duy nhất tồn tại không?
Không phải. Trong lịch sử đã ghi nhận nhiều vị Phật và thực tế tùy nền văn hóa Phật giáo mỗi địa phương cũng đang thờ tụng nhiều vị Phật, nhiều vị Bồ Tát khác nhau. Và trong truyền thống Phật giáo, mỗi chúng sinh đều có thể tu luyện để trở thành 1 vị Bồ Tát, 1 vị Phật. Câu nói quen thuộc của Phật tử là “Phật ở trong tâm” không chỉ có ý nghĩa nhắc nhở về sự chân thành của một người khi nghĩ tới Phật mà còn có ý nghĩa là sâu thẳm trong mỗi cá thể cũng là một vị Phật, hãy để vị Phật đó bộc lộ ra ngoài qua con đường tu thập chính thống, điều đó là khả thi và ai cũng có thể làm được.
-
Tại sao phân biệt Tiểu thừa, Đại thừa? Có sự thờ phụng khác nhau giữa hai tông phái này?
Tiểu thừa hay Đại thừa đều là Phật giáo, nhưng có điều là các phương pháp tu tập và mục đích giải thoát khác nhau. Tiểu thừa hướng tới giải thoát và đạt niết bàn cho người tu hành. Trong khi đó, phát nguyện Đại thừa là nguyện lớn, nguyện giải thoát cho mọi chúng sinh. Tùy vào căn cơ và mục đích mà sẽ có duyên với con đường phù hợp, có vẻ như nó là sự phù hợp chứ không giống sự lựa chọn một cách gượng ép, có chủ đích.
Việc hai tông phái này có thể có những tượng Phật, La Hán, Bồ Tát khác nhau cũng là bình thường. Ngay cả trong 1 tông phái cũng có thể có những hình tướng khác nhau cho các vị ấy. Chẳng hạn như Avalokiteshvara hay còn gọi là Quán thế âm Bồ Tát, có khi là hình tượng 1 vị phật có 4 tay, có khi là hình tượng vị Phật bà quan Âm như trong phim Tây Du Ký, chúng ta thường xem…. Về cơ bản, Phật pháp khuyến khích người theo học “nhìn thấy Tính” chứ không nên “chấp vào tướng” có nghĩa là thấy rõ bản chất của một sự vật, hiện tượng thay vì coi sự vật hiện tượng là cái thấy. Cho nên, sự khác biệt về hình tướng là hết sức bình thường, hãy cố gắng tìm hiểu bản chất thay vì chấp vào hình tướng.
Để cho dễ hiểu với đại đa số chúng ta, tôi có thể lấy ví dụ, khi chúng tôi tạo ra sản phẩm Súc họng miệng PlasmaKare. Bản thân nước súc miệng này dạng lỏng, màu vàng nâu, có cấu tạo từ nước + TSN + Keo ong… được đựng trong 1 chai nhựa hoặc túi, sau đó lại được đặt trong 1 hộp giấy. Mọi người sẽ sử dụng nó và gọi là “Súc họng miệng PlasmaKare” nhưng PlasmaKare không phải bản chất của sản phẩm đó. Bản chất của nó là một thứ giúp sát trùng, chống viêm, giảm loét dùng để chữa một số bệnh lý nhiễm trùng tại họng, miệng cho người. Nếu sau này có một ai đó cũng làm ra 1 thứ y chang như vậy nhưng đặt tên khác đi như “Súc họng miệng Plasma” với cùng công thức cấu tạo, đôi khi người tiêu dùng cũng sẽ bị nhầm lẫn nó là thứ khác, thực tế bản chất nó giống nhau. Có chăng khác nhau thì đó là từ mục đích của người tạo ra nó, 1 bên là tạo ra với tình yêu và khát vọng giúp đỡ, 1 bên tạo ra để thuần túy bắt chước bán hàng thu lợi nhuận. Vậy, phần mục đích đằng sau mới là cái khó thấy chứ không phải cái sự thấy trước mắt. Với từng mức độ nhận thức khác nhau, người tu tập sẽ “Thấy” những thứ ở các cấp độ thâm sâu hơn.
….
Còn nhiều câu hỏi nữa xung quanh việc tìm hiểu về Phật giáo hoặc bất kỳ một tôn giáo nào. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ muốn chia sẻ dần dần với người đọc. Trong sự hiểu biết có hạn của một người thậm chí chưa quy y như bản thân tôi, sẽ có nhiều thứ gây khó hiểu hoặc sai sót, rất mong sự góp ý chân thành của bạn hữu và hoan hỉ từ những phản biện.
Nguyễn Bá Nghĩa
Hà Nội, 21 tháng 10 năm 2020
Ý kiến của bạn