Theo tác giả Thu Giang – Nguyễn Duy Cần, đối với người Á Đông, khi đọc sách điều cốt yếu là tìm cho được cuốn sách nào khiến cho người đọc rung động, bừng lên cái ánh sáng của sự thay đổi, cảm hứng tới từ bên trong tâm hồn chứ không đơn thuần là thu nạp kiến thức một cách khô khốc. Trên trải nghiệm cá nhân, tôi hoàn toàn đồng ý với tư tưởng của cụ Thu Giang, ít nhiều trong cuộc sống người Việt chúng ta ai cũng từng có đã tiếp xúc với một hay một vài cuốn sách khiến chúng ta bừng tỉnh, khiến ta ngấu nghiến từng hơi thở mang theo năng lượng của lý tưởng trong những cuốn sách đó. Khiến ta muốn đọc đi đọc lại một ý tưởng nào đó, một kiến thức “mới” nào đó…. Đó là những cuốn sách thay đổi cuộc đời.
Trong lĩnh vực giáo dục, không có gì đáng quý hơn việc Khuyến học cho trẻ, trong việc Khuyến học, không có gì tôi thấy hiệu quả hơn việc Khuyến đọc cho trẻ. Vì sao ư? Vì 1 cuốn sách hay là tinh hoa cả 1 đời của một tác giả đã hấp thu tịn hoa từ hàng nghìn “vị thầy” đã lĩnh ngộ hàng vạn năm kinh nghiệm rồi. Trong khi một người thầy giáo chỉ có bấy nhiêu năm trải nghiệm, tiếp xúc ngắn ngủi, sao có thể đi kèm với 1 người giống như những bậc thiện tri thức ngàn đời!
Khi đọc sách, tôi thích đọc những cuốn sách của các nhà triết học Á Đông, Hy Lạp, một số học giả nổi tiếng người Đức hơn cả. Không phải vì người này giỏi hơn người kia, chỉ đơn giản vì từng câu chữ, ý nghĩa trong sách họ viết ra như khơi gợi sức sống ngủ quên trong tâm hồn tôi, sách đó thực sự đọc cho tâm hồn chứ không phải cho phần thể xác đơn thuần.
Cuốn sách này của một Thầy, Hoà Thượng Thích Thiên Ân, xuất thân từ Phú Vang, Huế, nhưng tu học phần lớn tại Nhật Bản, thiền Lâm Tế, và sau đó cống hiến cho lĩnh vực tôn giáo của Việt Nam và cuối cùng là những năm tháng cống hiến cho Đạo và giảng dạy tại Hoa Kỳ. Sách của thầy Thích Thiên Ân nói riêng, sách chả các bậc Cao tăng nói chung đều rất dễ dàng đi vào trong tôi, cho dù có những thuật ngữ cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt tôi chưa từng nghe qua trong đời, chỉ là ngay lúc đó tôi chưa hiểu được, nhưng vào 1 khoảnh khắc nào đó trong đời, nó tự nhiên vỡ ra giống như việc gieo 1 hạt vào đất, khi đủ ẩm vs dưỡng chất nó nứt ra và nảy lên 1 mầm mới. Tôi hiểu rằng, đó là vì tôi đã từng gieo trong tâm hồn mình 1 ý niệm từ 1 người thầy nào đó!
Cuốn sách này không chỉ đơn thuần về lược sử đất nước Nhật Bản, một nước Á Đông có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, mà còn có cả một hành trình đi lên quật cường của một dân tộc vốn dĩ rất khó quần tụ do điều kiện tự nhiên thì cũng đã được đoàn kết với những tư tưởng nổi bật, những cá nhân kiệt xuất khai phóng dẫn dắt. Minh Trị Duy Tân, một sự đột phá của thời cận đại nhưng trước đó thì Hiến pháp 17 điều của vị Thánh Đức Thái Tử cũng thật ấn tượng với việc đưa luôn Phật giáo vào trong hiến Pháp với khả năng Đức trị kết hợp Pháp trị. Điều này khá tương đồng với những thời kỳ phong kiến cực thịnh của Việt Nam chúng ta, khi các vị Minh Quân một lòng phụng sự dân với tư tưởng Phật giáo dẫn dắt. Gần gũi nhất có lẽ là vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), người đã dời đô về Thăng Long mang lại sự ổn định lâu dài cho dân tộc Việt, người được nuôi dưỡng bởi bậc hiền tăng, sư Vạn Hạnh, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ tấm bé!
Thật khâm phục tư tưởng Minh Trị Duy Tân, chỉ từ năm 1868 mà đã chủ trương chỉnh lý triều đình với điểm nhấn thành lập chế độ Lưỡng triều nhiếp chính tương tự hệ thống Thượng Viện, Hạ viện của Quốc hội các quốc gia tiên tiến phương Tây lúc bấy giờ, chủ trương cho người trẻ đi khắp nơi trên thế giới để mang kiến thức về xây dựng đất nước…
Cách mà tác giả, thầy Thích Thiên Ân viết thật khó lòng rời mắt khỏi cuốn sách.
Ngàn lần tán thán công đức của Thầy!
Ý kiến của bạn