Một điều tiếc nuối lớn nhất cuộc đời tôi tính tới thời điểm này là đã không sống một tuổi trẻ nhiều sóng gió hơn với nhiều sự giả dối hơn nữa để có thể nhận diện cuộc đời với góc nhìn đa chiều hơn, hành động trở nên lý chí hơn.
Nghịch lý cuộc sống
Gia đình và nhà trường có thể trang bị kiến thức với phương pháp tư duy đúng đắn, hướng thiện nhưng rõ ràng, đa số chúng ta không sống trong môi trường Gia đình ruột thịt hay nhà trường lâu dài, và càng không sống cả đời. Chúng ta sống trong môi trường xã hội rộng lớn hơn nhiều, trong đó, gần như không có ruột thịt và cũng chẳng có những thầy cô nhân từ. Không tiêu cực chút nào, trong đó chủ yếu chỉ có những người hành động vì lợi ích bản thân, người vì danh, người vì lợi, người vì ái tình, người vì mục đích di truyền, người đơn giản chỉ vì sự nuông chiều của bản thân.
Như vậy theo mô hình phát triển cũ mà thế hệ của tôi được dạy và còn kéo dài tới nhiều sau này nữa, mô hình sinh ra, tập trung học hành, đi làm, lập gia đình, sinh con, nuôi con, già, chết… có gì đó không ổn, thực sự không ổn. Đây là một nghịch lý, sống 1 đằng, học 1 kiểu.
Thế giới ngập tràn điều vô lý từ những trí tuệ và lòng tốt nửa vời
Thế giới này ngập tràn những người ngu dốt và kém cỏi nhưng lại nhân danh lòng tốt để làm những việc ngu dốt, theo mô tuýp siêu anh hùng. Ngược lại, cũng dầy rẫy những ký sinh trùng sinh ra với đầy đủ chức năng nhưng luôn tìm kiếm sự dễ dàng bằng cách bám vào một nơi có vẻ ổn để phát triển trên nền tảng đó. Đâu đó cũng chẳng thiếu những người việc cơ bản của cuộc sống chẳng lo nổi nhưng lại sẵn sàng xả thân vì những kẻ không xứng đáng, vì những việc không giá trị.
Hãy tưởng tượng như này:
Một người chăm chỉ, tỉ mỉ thấy loa đài bám bụi bẩn thì rất khó chịu và sốt ruột, liền mang ra xịt nước tráng xà phòng để đảm bảo sạch sẽ, không cáu bẩn. Kết quả là nhận lại đám loa đài sạch sẽ tươm tất nhưng hoàn toàn vô dụng!
Một người thích trồng cây từ phương xa tới vùng lúc nước, thấy cây lúa bị “úng nước” liền thương cây lúa, mang đi chỗ khô ráo trồng, hậu quả là cây lúa chẳng thể phát triển và không ra được hạt lúa như nó có thể. Một người khác thì đi qua vùng hoang mạc cằn cỗi thấy cây chà là chật vật trong nắng, cát khô cằn liền thương xót mang về trồng trong khu vườn tươi tốt, ngày ngày tưới tắm cẩn thận. Thật không may, cây Chà là bị úng nước và thối gốc, chết.
Có một người vốn giàu lòng trắc ẩn, yêu động vật, thấy con sư tử con lạc bầy, hoang mang lo lắng, không nơi nương tựa, liền đưa về nuôi nhốt trong nhà. Nhiều năm sau, con sư tử nhớ vùng hoang dã, nhớ bản năng săn mồi và nó làm thịt luôn người chủ từng thương xót nuôi nấng nó.
Có những người, thấy ai tỏ ra khổ sở, đáng thương, cô độc, thất bại, kém may mắn… liền dang tay cưu mang coi như người thân trong gia đình, hi sinh cả bản thân cho “nghĩa lớn”. Kết quả nhận lại chỉ là sự lợi dụng trắng trợn lòng tốt và làm hại vô số người đáng nhận được sự quan tâm.
Cũng không thiếu những “bậc thầy” nổ, ba hoa về mọi thứ trên đời nhưng thực sự không có gì, không biết gì, không tử tế gì. Người ta vẫn hay nói “thùng rỗng kêu to”, kẻ ngu dốt thì thường hay khoác lác về trí tuệ hơn người, kẻ nghèo đói thì thường hay phét lác về gia sản kếch xù của…. người bà con, kẻ bủn xỉn thường hay ba hoa về sự hào phóng, kẻ vô luân thường hay trích dẫn đủ điều về luân thường đạo lý nhưng theo dạng học nửa vời.
Và trí tuệ nửa vời
Sông sâu thường lặng sóng, kẻ trí thường không nói nhiều, người giàu tình thương giữ tình thương trong tâm và lặng lẽ làm việc tốt, người tử tế đôi khi lựa chọn sự “dửng dưng” không can thiệp. Bạn chẳng thể trở thành người tốt chỉ vì người khác khen bạn là người tốt, hoặc có một chứng nhận người tốt nào đó. Bạn cũng chẳng thể trở thành người xấu, chỉ vì một vài người không được bạn thỏa mãn mà rêu rao bạn là người không ra gì. Tốt xấu, đúng sai… trên cõi đời này đều chỉ có tính tương đối và do hệ quy chiếu phù hợp, chủ yếu là lựa chọn của bản thân mỗi người dựa trên lòng trắc ẩn và trí tuệ tích lũy.
Buồn cười là chủ yếu chúng ta gặp những kẻ nửa trí tuệ nửa khôn lỏi là chính chứ kẻ trí thì không thể tùy tiện giao du với tất cả hạng người.
Tôi từng gặp và nghe về một vài “Phật tử” nhân danh người con của Đức Phật đi rao giảng về thần phật ma quỷ một cách rất mê muội và ngu dốt, xuyên tạc mọi giáo lý nhà Phật với bản thể cốt lõi là sự giác ngộ từ Từ bi – Trí tuệ. Đạo Phật bỗng dưng trở thành 1 thứ đạo sặc mùi mê tín dị đoan qua lời của hạng người ngu dốt thiếu hiểu biết chân chính. Tôi cũng từng được nghe về hạng người hẹn hạ, trốn tránh trách nhiệm ở cuộc sống thường, lẩn trốn trong những nơi linh thiêng như chùa chiền sau khi đã no xôi chán chè ngoài đời. Những người mang đầy phức cảm tự ti, hoàn toàn không dám đối mặt với những thách thức của cuộc đời, thậm chí không dám đối mặt với những chỉ trích thông thường chứ chưa nói tới những gánh nặng trách nhiệm với người khác. Những người này, họ nhân danh thần phật của họ, trích dẫn vài giáo lý về duyên, nghiệp và tính không nửa mùa để giảng giải cho những người mê muội, thiếu tín ngưỡng, thiếu trí tuệ… cảm thấy thần bí và lo sợ nên gật đầu như bổ củi!
Trong Bhagavad gita có phần “Người thiên về Sattvika (thiện lành) thờ phụng các Thần linh; những người thiên về Rajaska (dục vọng) thờ phụng các Yaksha và Rakshasa; trong khi những người khác, những người thiên về Tamasika (u mê), thờ cúng linh hồn của người chết và yêu ma.”
Và “Những người thực hành khổ hạnh ép xác, không theo chỉ dẫn của kinh văn, bị ám ảnh với ngụy thiện và ích kỷ, bị dục vọng và chấp trước lôi kéo; hành xác và vô cảm với tất cả các cơ quan cảm giác; và TA, cư ngụ trong cơ thể, biết họ là hạng người ma quỷ”
Để thấy rằng, nửa trí tuệ thực sự nguy hiểm như thế nào, họ tôn vinh dục vọng, ma quỷ, thậm chí trở thành như vậy lúc nào không còn hay biết. Một dòng sông liệu có thể tự nhìn thấy mặt nước lấp lánh, và một người liệu có thể tự nhìn thấy lưng mình một cách trực tiếp? Khi đã trở thành thứ gì đó, họ mất đi khả năng phán xét chính bản thân mình và quên mất con người nguyên thủy của mình. Cũng giống như những người sống giả dối trở thành thói quen họ sẽ không còn phân biệt nổi đâu là thật, đâu là dối!
Đừng làm anh hùng nếu trí tuệ chưa thông
Chúng ta đã thấy hạng người nửa trí tuệ nguy hiểm như thế nào rồi, họ làm những việc đáng lẽ không nên làm, họ giúp những kẻ đáng lẽ không nên giúp, họ xuất hiện vào thời điểm đáng lẽ không nên xuất hiện, nói những điều đáng lẽ không nên nói…. Xã hội hiện tại đâu có còn nhiều người với lòng trắc ẩn vốn có cộng thêm nửa trí tuệ, nửa kiên định, nửa chấp nhận… sẵn sàn hi sinh bản thân cho 1 lý tưởng tầm thường, tồi tệ hơn nữa là cho 1 con người dưới mức tầm thường. Họ chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng, thấy con người bằng da bằng thịt mà không thấy được những dục vọng ghê gớm bao quanh con người đó. Thấy lời nói là không thấy ý tưởng. Thấy hành động mà không thấu động cơ, tâm can. Thấy người ta tự cả ngợi bản thân mà quên mất rằng, mấy ai tự chê mình là kẻ vô năng! Những anh hùng với nửa trí tuệ, họ thậm chí còn không tin những điều họ không muốn tin và điều khiển chính niềm tin của mình chỉ tin vào những điều mà họ muốn tín. Thật không may mắn, niềm tin thuộc về yếu tố bản thể hình thành nên chính bản thân con người họ lại bị chính ý tưởng của những người này điều khiển và ý tưởng đó lại bị che mờ bởi cảm xúc, một bức màn dày đặc che phủ lý chí, làm người ta bị tê liệt, mất khả năng phán đoán.
Hậu quả của những người anh hùng nửa trí tuệ là họ gieo những hạt giống hiểm họa cho xã hội nhiều hơn, họ dành ít thời gian để hoàn thiện bản thể con người, họ không có thời gian để đi chăm sóc – vun trồng hạt giống tốt lành trong xã hội vì quá bận rộn với việc nuôi trồng những hạt giống nửa trí tuệ mà họ đã “dày công” tạo ra.
Vì trí tuệ chưa thông mà sự nhiệt tình lại có thừa, xã hội này ngày càng mất cân đối khi cơ bắp ngày càng tăng và trí tuệ thực sự có vẻ ngày càng giảm. Lòng tham ngày càng tăng lên theo sự dẫn dắt của chủ nghĩa tiêu dùng mà sự chân thành ngày càng giảm do không ai muốn sống thật và thể hiện thật bản thân. Chạy theo hình thức, xa rời bản thể… khiến con người ngày càng xa rời với nguồn gốc của tia sáng linh hồn đầu tiên đáp xuống trái đất và càng ngày càng xa nhà, tới mức không thể tự tìm lối về để rồi khi đã lớn tuổi, họ loay hoay và bất chấp mọi thứ để quay về nhưng đã quá muộn.
Vậy đó, trí tuệ không thông, đừng làm anh hùng. Nếu tự nhận thấy bản thân chưa đủ thông thái, năng lực để gánh tránh nhiệm lớn lao, hãy lựa chọn những điều nhỏ nhặt để bắt đầu và hoàn toàn hợp lý nếu thản nhiên bước qua những trách nhiệm lớn lao. Việc thờ ơ trước những điều lớn lao khi chưa sẵn sàng không phải là một sự vô trách nhiệm, đó là hành động trí tuệ của những người biết mình. Và khi làm ngược lại, hành động anh hùng khi trí tuệ chưa thông, vô hình chung, đang gây hại mà không hay, và khi mầm mống của sự hủy hoại được vun trồng, nó sẽ lớn dần cho tới khi hủy diệt chính người tạo ra nó.
Ý kiến của bạn