Nhà triết học người Pháp Jean-Paul Sartre đã mô tả cuộc sống là “C giữa B và D” – C là Choice – Lựa chọn, nằm giữa B – Birth là sự ra đời, và D – Death là cái chết. Quả thực, với mô hình BCD này, chúng ta sẽ dễ dàng tư duy để cải tạo vận mệnh, tập trung vào các lựa chọn thay vì sự may mắn, tập trung vào mài giũa tri thức của sự lựa chọn thay vì phó mặc cho những con xúc sắc của thần may rủi quyết định.
Bí quyết ở đây nằm ở sự lựa chọn, bí quyết của lựa chọn sáng suốt là sự mài giũa về ý chí, tinh thần và trí tuệ, bí quyết của sự mài giũa đó là sự tập trung.
Một số mô hình tinh thần được đề xuất có thể giúp tối ưu hóa Sự lựa chọn và kéo dài cuộc sống, một cuộc sống thực sự.
Khung giảm thiểu hối tiếc của Jeff Bezos – Regret Minimization Framework – RMF
Hãy tập trung vào hành động và kết quả, các tác động ngắn hạn và dài hạn của bất kỳ điều gì đó bạn đang cần đưa ra quyết định. Bạn hãy tưởng tượng xem liệu bạn có hối hận vì đã không làm điều gì đó trong “x” năm hay không. Nếu câu trả lời là có thì bộ khung trên ra lệnh rằng bạn nên làm điều đó.
Nói về điều này thì có thể một số bạn sẽ hỏi rằng thế bây giờ tôi có thể có nhiều lựa chọn, lựa chọn nào tôi cũng có câu trả lời là Có thì làm sao? Hãy bật mô hình “Nguồn lực giới hạn” để tiếp tục trả lời câu hỏi đó và nhớ sắp xếp mức độ trầm trọng của sự hối tiếc để đưa ra quyết định. Bạn hãy nhớ rằng, 1 viên đá ném xuống mặt biển chỉ đủ làm sóng gợn lăn tăn, nhưng một thiên thạch trên bầu trời với đường kính khoảng 11 đến 13 km đã dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long trên trái đất; đừng đánh đồng mọi sự hối tiếc giống như nhau.
Tôi thấy phụ nữ, những người sống cảm tính đều phải triệt để học hỏi phương pháp này của Jeff Bezos, như tôi thường hay nói với vợ tôi “Trước khi làm gì, hãy cố gắng hình dung kết quả của 10 năm nữa mà cân nhắc quyết định. Với các quyết định nhỏ, kết quả nhỏ, thì cũng cố lựa chọn khung thời gian hợp lý như 1 vài tháng, 1 năm để xem liệu nó có đáng để làm không”. Sau đó lập tức áp dụng chính sách “nguồn lực hữu hạn” đưa ra quyết định dứt khoát.
‘Sự lặp sinh vĩnh cửu’ của Friedrich Nietzsche – Eternal recurrence
Hãy tưởng tượng rằng bạn sẽ phải sống cuộc sống mà bạn hiện đang sống lặp đi lặp lại mãi mãi. Sau đó đưa ra những lựa chọn mà bạn nghĩ rằng sẽ tạo ra một cuộc sống xứng đáng được lặp đi lặp lại đối với mình.
Điều này nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng thực ra, nếu ai đã xem bộ phim như Ma trận, chúng ta sẽ thấy có nhiều điểm tư duy rất hợp lý trong đó. Cho dù chúng ta có cảm giác thời gian trôi qua là tuyến tính và không có vòng lặp nhưng chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng, cuộc sống không phải là 1 đường thẳng chỉ đi từ cái lỗ này tới cái lỗ khác, từ sự sinh tới lúc chết, cuộc sống và mọi sự vận hành tự nhiên đều là hình xoắn ốc, sẽ lặp lại những mô thức cũ nhưng ở các tầng khác.
Tư duy Memento Mori của nhà Khắc kỷ
Memento Mori trong tiếng Latinh có nghĩa là “Hãy nhớ rằng bạn sẽ chết”, mà Steve Jobs đã nhắc đến rõ ràng, chi tiết nhất trong bài phát biểu nhận bằng tốt nghiệp tại Stanford năm 2005 cho các sinh viên trường này.
“Nhớ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi từng thấy để giúp tôi đưa ra những lựa chọn lớn trong đời. Bởi vì hầu hết mọi thứ – tất cả những kỳ vọng bên ngoài, tất cả niềm tự hào, tất cả nỗi sợ hãi về sự xấu hổ hoặc thất bại – những thứ này đều biến mất khi đối mặt với cái chết, chỉ để lại những gì thực sự quan trọng. Nhớ rằng bạn sắp chết là cách tốt nhất để tránh cái bẫy nghĩ rằng bạn có thứ gì đó để mất. Bạn đã khỏa thân rồi. Không có lý do để không đi theo trái tim của bạn. Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi giáo điều – thứ đang sống với kết quả từ suy nghĩ của người khác. Đừng để ý kiến ồn ào của người khác át đi tiếng nói bên trong của chính bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Chúng bằng cách nào đó đã biết những gì bạn thực sự muốn trở thành. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.”
Một số lưu ý khi tối ưu hóa sự lựa chọn
Tối ưu hóa sự lựa chọn không giống như việc hoàn thiện sự lựa chọn – ngay cả khi những khuôn khổ này giúp chúng ta đưa ra những quyết định có vẻ tốt hơn, chúng ta sẽ luôn thực hiện những hành động dẫn đến những sự kiện mà chúng ta không thích ngay lập tức.
Nhưng đây là một chút hiểu biết hữu ích: khi những sự kiện đáng lo ngại như vậy xảy ra, chúng ta có thể đưa ra một lựa chọn khác để khôi phục lại phản ứng của mình đối với chúng:
- Một mẫu thử nghiệm không đáp ứng được thông số kỹ thuật có thể trở thành một cơ hội để học hỏi.
- Một nhóm đang trên bờ vực kiệt sức có thể biến thành cơ hội để xây dựng một nền văn hóa tốt hơn và kiên cường hơn.
- Phản ứng tiêu cực mà ban đầu bạn thấy mình gây ra có thể biến thành cơ hội để quan sát một cách chánh niệm những cảm xúc có hại sẽ biến mất, sau đó có thể tạo không gian để bạn phản ứng hiệu quả hơn.
Khi bạn bắt đầu một ngày của mình, hãy nhớ rằng bạn có khả năng xoay chuyển cách bạn hành động và cách bạn phản ứng theo cách hữu ích cho cuộc sống mà bạn đang sống, những người xung quanh bạn và những người mà bạn muốn phục vụ.
#nghianb
Ý kiến của bạn